Thu hút nhà đầu tư
3 khu chung cư cũ Thành Công, Giảng Võ và Ngọc Khánh vừa được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho quận Ba Đình nghiên cứu lập quy hoạch đồng bộ và triển khai cải tạo. Theo UBND quận Ba Đình, dự thảo quy hoạch xác định quá trình chỉnh trang các khu chung cư cũ sẽ cho phép tăng chiều cao công trình, trong đó khu Thành Công có thể đạt tối đa 40 tầng. Tuy nhiên, quy hoạch vẫn đảm bảo nguyên tắc không gia tăng dân số, không gây áp lực lên hạ tầng đô thị. Như vậy, sau khi quy hoạch, cải tạo khu tập thể Thành Công từ 68 tòa nhà cao từ 2 - 5 tầng sẽ còn 24 tòa, trong đó có tòa cao nhất 40 tầng. Khu Giảng Võ từ 22 tòa (không bao gồm 4 tòa đã cải tạo) sẽ giảm còn 11 tòa. Khu Ngọc Khánh hiện có 36 tòa, sau quy hoạch sẽ còn lại 9 tòa.
Theo Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng và đô thị quận Ba Đình Đỗ Hà Thanh khi tăng chiều cao sẽ tạo ra các diện tích đất thương mại dịch vụ. Với diện tích thương mại này có thể đáp ứng nhu cầu tăng thêm diện tích nhà ở cho người dân tái định cư có nhu cầu mua thêm hoặc tăng diện tích để cho nhà đầu tư quan tâm sau khi quy hoạch được duyệt. Nhà đầu tư nhìn thấy lợi nhuận sẽ tham gia đầu tư tái thiết chung cư cũ.
Khu chung cư cũ E4 Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải
Đầu tháng 4/2025, tại hội nghị công khai lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư liên quan đến Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Hào Nam và phụ cận, anh Phạm Xuân Thạch (nhà B8b, tập thể Kim Liên) lo lắng việc quy hoạch, cải tạo, nâng cao số tầng sẽ làm gia tăng mật độ dân số, tác động đến sinh hoạt, đi lại của cư dân. “Với hệ thống các tòa dân cư, thương mại dày đặc, cùng tình trạng ách tắc giao thông hiện nay, mặc dù theo đồ án có xây dựng thêm một hệ thống đường nội bộ, trong đó có một con đường khá to nằm sau các tòa nhà B4, B10, B14. Nhưng thực tế nhìn nhận tình trạng giao thông hiện tại của đường Lương Định Của chưa được cải tạo, tình trạng tắc đường đã diễn ra dày đặc. Vậy liệu sau cải tạo, khi chúng ta giữ nguyên các mặt cắt, không mở rộng thì có đảm bảo về mặt giao thông cho khu vực tập trung đông dân cư như vậy hay không?” – anh Phạm Xuân Thạch đặt câu hỏi.
Giải đáp băn khoăn của người dân, lãnh đạo UBND quận Đống Đa cho biết, về dịch vụ, theo thông báo của TP quy định, người dân sẽ dành 30% quỹ đất cho các nhà đầu tư. Có nghĩa rằng các nhà đầu tư sẽ thực hiện việc kinh doanh của họ nhưng không tăng dân số tại khu vực nằm trong quy hoạch (16.000 dân hiện trạng). Tổng kết lại là không tăng dân số và diện tích tối thiểu của 1 căn hộ là 70m2. Liên quan đến giao thông, trên đồ án quy hoạch, quận Đống Đa đã nghiên cứu, khảo sát tổng thể dựa trên mối liên hệ giữa 3 khu Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng. Đặc biệt là mối liên hệ giữa các đồ án với nhau. Giữa các khu luôn có các hệ thống giao thông hiện đại để kết nối được các phân khu lại với nhau.
Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang chia sẻ: “Khi lập quy hoạch cải tạo, xây mới chung cư cũ, Đống Đa tập trung quy gom các các nhà tái định cư thành các nhà cao tầng để dành quỹ đất phục vụ cho xây dựng công viên, xây dựng các chức năng đô thị như trường học, trạm y tế... để các chỉ tiêu hạ tầng xã hội được bảo đảm tốt hơn khu ở hiện có. Tuân thủ theo quy hoạch chung và chỉ đạo của UBND TP là không tăng dân số trong toàn bộ khu quy hoạch, dân số hiện trạng các khu tập thể là bao nhiêu thì sẽ được tái định cư tại chỗ và không có gia tăng tại khu vực này.
Ba khu tập thể Kim Liên, Trung Tự và Khương Thượng nằm liền kề nhau và có hệ thống giao thông kết nối giữa các khu vực, quy hoạch mới tăng tỷ lệ giao thông kết nối và đặc biệt là liên quan đến giao thông công cộng và các vị trí kết nối với các hệ thống đường sắt đô thị và các hệ thống giao thông công cộng chung của TP. Một số tuyến đường hiện có sẽ được mở rộng hơn để bảo đảm theo quy chuẩn của đường đô thị có diện tích mặt cắt 17 - 20m đối với các đường nhánh. Đối với các tuyến đường nhánh trong khu dân cư, quận thực hiện theo đúng quy hoạch phân khu đô thị H1-3 đã được phê duyệt. Một số tuyến đường nhánh sẽ mở để kết nối giữa các khu nhà cao tầng với nhau, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, không ngắt quãng.
Không tăng dân số, áp lực lên hạ tầng
Theo các chuyên gia, phương án nâng chiều cao lên 40 – 50 tầng khi cải tạo các khu tập thể cũ được các chuyên gia đánh giá là hợp lý, phá thế bế tắc lâu nay về chủ trương cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Phần chiều cao tăng lên sẽ tạo ra các diện tích đất thương mại dịch vụ. Số diện tích sàn này có thể đáp ứng nhu cầu tăng thêm diện tích nhà ở cho người dân tái định cư có nhu cầu mua thêm hoặc tăng diện tích để sau khi quy hoạch được duyệt, nhà đầu tư nhìn thấy có được lợi nhuận sẽ tham gia đầu tư tái thiết chung cư cũ.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ: "Thời gian qua, chủ trương cải tạo chung cư cũ với điểm nổi bật là nâng tầng cao đến 40 - 45 tầng là điểm mới. Chủ trương này của TP đã tháo gỡ những khó khăn trước đây. Việc nâng cao tầng không chỉ đáp ứng tái định cư tại chỗ mà còn thu hút được nhà đầu tư. Mặt khác, việc xây nhà cao tầng đỏi hỏi chủ đầu tư phải đáp ứng nhiều kỹ thuật xây dựng, hội tụ các yếu tố về kinh tế, quy trình vận hành, tiêu chuẩn về xây dựng. Ngoài ra, về hệ số K và diện tích căn hộ sau cải tạo, theo Nghị định 98/2024/NĐ-CP quy định, đối với tầng 1, hệ số đền bù K =2, từ tầng 2 trở lên K=1,5. Như vậy, diện tích hiện trạng x số K = phần diện tích không phải đóng góp.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Trưởng Phòng Quản lý Quy hoạch Kiến trúc (Sở QH-KT Hà Nội) Lã Hồng Sơn nêu rõ, mục tiêu của quy hoạch các khu chung cư cũ là đảm bảo kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng, không gian đô thị hiện đại, hài hoà; đáp ứng đúng tiêu chuẩn quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Hiện nay, với công tác quy hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, TP đặt mục tiêu theo hướng tăng tầng cao công trình và hệ số sử dụng đất; giảm mật độ xây dựng. Mục tiêu đó để giải phóng không gian, tạo nên không gian trống, không gian xanh cho hạng mục công cộng, đảm bảo yêu cầu về đời sống tốt hơn; đặc biệt bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh, tầng hầm, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt trong khu tập thể, cải thiện, nâng cao chất lượng, điều kiện nhà ở.
Để giải quyết áp lực hạ tầng, Hà Nội cần tính toán tận dụng không gian ngầm đô thị trong quá trình cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ. Bên cạnh việc tính toán tăng tầng cao các toà nhà, việc khai thác không gian ngầm, khai thác theo định hướng phát triển TOD… đòi hỏi TP phải quyết tâm thực hiện, bám sát đổi mới để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thực hiện. Luật Đất đai, Luật Thủ đô 2024 đều đặt ra vấn đề mới là khai thác không gian ngầm. Vậy, khai thác không gian ngầm đến đâu, cần có định hướng trong quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm |