Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ Luật đất đai có thể coi là bộ luật về vấn đề hết sức cơ bản, nền tảng cho phát triển kinh tế, liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và người dân.
“Đây được coi như đạo luật gốc trong quản lý nhà nước. Giải quyết đúng chính sách pháp luật về đất đai không chỉ kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, tạo nguồn lực, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần phát triển bền vững” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BĐT
Ông Hà cho rằng quá trình sửa luật là lúc đánh giá năng lực của cơ quan lập pháp, hành pháp trong thể chế hóa chủ trương của Đảng. Quốc hội đã cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
“Tôi mong muốn các ý kiến chuyên gia đi thẳng vào các chương, điều nào chưa chặt chẽ, khoa học, khả thi đối với chính sách mà nghị quyết trung ương ban hành cần tập trung góp ý để chính sách được thể chế một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện. Đồng thời, cần hoàn thiện dự án luật để người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng thực hiện” – ông Hà nói và nhấn mạnh, đất đai phải theo cơ chế thị trường, tức là khi bán, khi mua, đấu thầu, đấu giá thì làm thế nào để sát với cơ chế thị trường.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn nêu một số vấn đề muốn được các đại biểu góp ý cho dự thảo luật như vấn đề quy hoạch sử dụng đất, dự thảo luật đưa ra 3 cấp quy hoạch đất đai gồm: quốc gia, cấp tỉnh và huyện (bao gồm xã), so với luật Đất đai 2013 là tăng thêm cấp tỉnh.
Một vấn đề khác được ông Hà nêu để xin ý kiến là việc chuyển dịch đất đai để thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang đô thị, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quá trình chuyển dịch này tác động rất nhiều từ thu hồi đất, hỗ trợ, đền bù, tái định cư… Hiện nay, quan điểm của Đảng là sau quá trình thu hồi đất thì người dân phải được hưởng lợi từ các dự án phát triển, sau khi tái định cư người dân có điều kiện sống tốt hơn, sinh kế tốt hơn…Do đó, mong các ý kiến nêu ra nhìn toàn diện hơn và đánh giá vấn đề này để làm sao giải quyết được. Bởi đây là vấn đề khó khăn liên quan kinh tế, xã hội, giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước, người dân phải di dời cũng như nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Cùng với đó, ông Hà nói về chính sách cho thuê đất trả tiền hàng năm thay vì giao đất lâu dài, cho thuê đất trả tiền một lần mới được đưa vào dự thảo luật. Theo ông Hà, việc này giúp đảm bảo về mặt tài chính mỗi giai đoạn phát triển thì nguồn lực đất đai đảm bảo ổn định phục vụ công tác quản lý đồng thời không tạo lợi ích nhóm theo nhiệm kỳ.
"Tức là nhiệm kỳ này cố gắng để thu tối đa từ đất thì nhiệm kỳ sau, thế hệ sau phải làm sao" - ông Hà phân tích và cho rằng, đây cũng là một chính sách cần được xem xét kỹ lưỡng xem việc quy định như vậy đã thể hiện được chủ trương của Đảng, Nhà nước hay chưa; đồng thời có sơ hở gì dễ bị lợi dụng hay không?
Dự án luật Đất đai sửa đổi được trình Quốc hội tại kỳ họp 4 (10/2022). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo luật Đất đai. Theo đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ tiến hành từ 3/1 đến 15/3.