Chị Nguyễn Thị Trang (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, hàng tuần, mẹ chị lại hái rau sạch, hoa quả trồng ở vườn nhà rồi gửi xe xuống cho con gái tích trữ. Thậm chí, các loại thịt cũng được chị bảo quản trong tủ lạnh vài tháng.
Không chỉ riêng chị Trang, rất nhiều gia đình vì công việc bận rộn nên thường mua thực phẩm về để vài ngày, thậm chí vài tuần và bảo quản tủ lạnh rồi mới đem ra chế biến.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ dinh dưỡng, thói quen tích trữ rau trong tủ lạnh không tốt cho sức khỏe. Rau tươi có thể mất khoảng 45% giá trị dinh dưỡng trong khoảng thời gian từ khi thu hoạch đến khi được bày lên kệ tại các siêu thị, cửa hàng. Và đến khi trở thành món ăn, người tiêu dùng chỉ tiêu thụ dưới 1/3 giá trị dinh dưỡng của thực phẩm đó.
Theo TS.BS Phan Bích Nga - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ngay sau khi thu hoạch, rau củ quả sẽ bắt đầu quá trình phân hủy và mất đi các giá trị dinh dưỡng.
Vì thế, để có thể lưu giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất trong trái cây và rau xanh, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng: Không nên rửa rau trước khi cho vào tủ lạnh. Việc rửa rau củ sẽ kích thích sự hư hỏng và làm tăng nhanh quá trình hình thành nấm mốc. Nếu rửa rau xanh rồi bỏ vào tủ lạnh, vài ngày sau mới ăn sẽ loại bỏ các lớp bảo vệ bên ngoài, làm rau và trái cây chín nhanh hơn.
Người tiêu dùng nên tách riêng trái cây và rau, bảo quản ở những ngăn khác nhau của tủ lạnh và không đóng gói quá chặt. Nếu bảo quản quá chặt (trong hộp nhựa, túi ni-lông kín…) sẽ tăng tốc độ thối, hư hỏng.
Một điều đặc biệt quan trọng, người tiêu dùng nên mua rau quả trực tiếp từ người nông dân sẽ giảm thời gian vận chuyển và thời gian bảo quản, như vậy sẽ giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Rau quả non sẽ có nhiều chất dinh dưỡng hơn rau quả đã già vì thế người mua phải lưu ý kinh nghiệm này.
Cũng theo các chuyên gia dinh dưỡng, thói quen rửa rau củ hàng ngày của nhiều bà nội trợ như rửa qua nước, ngâm trong nước muối, nước vo gạo… đều hết sức sai lầm, thậm chí có thể khiến rau củ quả ngấm nhiều hóa chất hơn.
Rất nhiều chị em phụ nữ có thói quen rửa rau xong ngâm nước muối thậm chí chân qua rau rồi nấu.Thế nhưng, Theo Ths. Nguyễn Mỹ Linh, bộ môn Rau và Cây gia vị, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam cho rằng, thói quen rửa và chần qua rau rồi mới nấu vừa làm giảm vitamin vừa làm mất các chất dinh dưỡng có trong rau.
Vì thế nên chia các bộ phận rau để rửa. Thông thường, người nông dân thường tưới phân tươi trực tiếp lên lá nên dễ mang mầm bệnh tả cao do chứa nhiều vi khuẩn E.Coli và Salmonella từ.
Cũng theo Ths.Linh, việc ngâm rau lâu trong nước cũng không tốt. Phương pháp này vừa phản tác dụng với rau đã được phun hóa chất vừa làm mất giá trị dinh dưỡng của rau.
Bởi vì, các chất dinh dưỡng trong rau cũng bị hòa tan với nước. Ngoài ra, nếu ngâm rau qua đêm thì sẽ thất thoát một lượng lớn vitamin như vitamin nhóm B hoặc khoáng chất, protein trong rau.
Theo N.G (Người đưa tin)