Tủ lạnh là một trong những đồ vật quen thuộc, tiện ích nó giúp bảo quản thực phẩm được lâu hơn. Tuy nhiên không phải bất cứ loại thực phẩm nào cũng nên để trong tủ lạnh.
Bánh mì
Bánh mì nên bảo quản ở nhiệt độ thường, thoáng mát. Ảnh minh họa
Trong mọi trường hợp, để bánh mì vào tủ lạnh đều là sai lầm. Những lát bánh mì (hoặc bánh mì nướng các loại) sẽ hút không khí lạnh trong tủ, hoặc sẽ bị ỉu và thay đổi mùi vị, hoặc sẽ bị khô, cứng lại.
Cách tốt nhất để bảo quản bánh mì là để trong một chiếc túi có lỗ thoát khí ở không gian phòng bình thường sẽ được lâu hơn bảo quản tủ lạnh. Nhưng nếu để lâu hơn thời gian cho phép thì bánh mì cũng mất đi cảm giác mềm xốp vốn có.
Cà chua
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cà chua bảo quản ở môi trường tự nhiên có hương vị thơm ngon hơn hẳn loại để trong tủ lạnh. Việc để cà chua ở nhiệt độ dưới 12 độ C sẽ ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng của loại quả này. Nhiệt độ lạnh làm thay đổi kết cấu tự nhiên, cản trở việc sản sinh ra các hợp chất dễ bay hơi có trong cà chua. 65% các hợp chất này sẽ biến mất nếu để trong tủ lạnh.
Cách tốt nhất bạn nên để cà chua ở môi trường tự nhiên, thoáng mát.
Hành tây
Giống như cà chua, hành tây có xu hướng bị mềm đi hoặc nấm mốc nếu để trong tủ lạnh quá lâu. Đặc biệt, nếu hành tây đã được cắt nhỏ, chúng sẽ bị khô ngay kể cả khi bạn đã bọc chặt. Ngoài ra, hành tây có mùi rất hăng, có thể lây lan trong môi trường kín như tủ lạnh, làm cho toàn bộ thực phẩm khác đều bị nhiễm mùi. Bản thân hành tây cũng sẽ mất đi hương vị riêng của nó.
Khoai tây
Khi nhiệt độ ở dưới 7 độ C, tinh bột trong khoai tây bắt đầu bị phá vỡ, chuyển thành đường. Như vậy, hương vị của thực phẩm này sẽ không còn ngon và bổ dưỡng như trước. Khi lấy khoai tây từ tủ lạnh ra, chắc chắn bạn sẽ thấy khoai bị mềm nhũn và héo đi.
Chuối
Nhiệt độ lạnh sẽ làm chậm quá trình chín của chuối. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ quá lạnh, nó có thể khiến chuối bị mềm nhũn và ăn có vị hơi cay khi chín. Do vậy, chuối xanh cần được giữ ở nhiệt độ phòng. Còn nếu chuối đã chín mà bạn không ăn kịp, bạn có thể bảo quản chúng trong ngăn lạnh. Khi đó vỏ chuối sẽ tiếp tục chuyển sang màu nâu, nhưng trái cây vẫn rất hoàn hảo.
Dưa hấu
Theo nghiên cứu, dưa hấu sẽ mất một số chất chống ôxy hóa như lycopene và beta-carotene khi bảo quản trong tủ lạnh. Bạn hãy đặt dưa hấu trên bàn ở nhiệt độ phòng để duy trì các chất chống ôxy hóa này. Dưa hấu đã cắt miếng nên bao gói cẩn thận và đặt trong tủ lạnh.
Bơ chưa chín
Đối với những quả bơ còn xanh nếu bảo quản trong tủ lạnh sẽ làm ngăn cản quá trình chín của bơ. Thực tế bơ sẽ rắn lại và không có hương vị ngon, bùi như những quả để bên ngoài.
Cà phê
Bạn đừng bao giờ để cà phê trong tủ lạnh bởi nó có thể lấy đi hương vị của những loại thực phẩm khác, đồng thời cũng mất đi mùi vị đặc trưng. Bạn nên bảo quản cà phê ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp.
Húng quế
Cũng giống như cà phê, các loại rau thơm như húng quế, ngò thơm có tính chất hấp thụ các mùi xung quanh khiến chúng không còn mùi vị như lúc ban đầu. Bên cạnh đó, những loại rau này cũng dễ héo và khô khi để trong tủ lạnh.
Vì vậy, để có thể giữ cho húng quế được độ tươi xanh, bạn có thể bảo quản trong một bát nước sạch giống như bạn cắm hoa vậy. Nếu bắt buộc phải để trong tủ lạnh thì bạn nên bọc chúng thật kín trong một hộp nhựa hoặc bọc vào một tờ báo.
Mật ong
Bản thân mật ong chính là một chất bảo quản tự nhiên cực kỳ tốt. Vì vậy ngay cả khi bạn đặt nó trong một cái bình nhiều năm trong điều kiện môi trường bình thường thì nó vẫn giữ được phẩm chất và hương vị. Cất mật ong trong tủ lạnh làm tăng tốc độ kết tinh của đường trong mật ong, biến nó thành một thứ gần giống như bột chẳng ngon lành gì và khó để múc ra sử dụng.
Để duy trì giá trị dinh dưỡng tốt nhất của mật ong thì nên để chúng trong môi trường bình thường và lưu trữ kín với lọ thủy tinh ở nhiệt độ phòng.
Tỏi
Hơi lạnh của tủ sẽ làm cho tỏi mọc mầm và làm tỏi trở nên dai hơn, thậm chí là mốc. Thực tế, có thể để tỏi ở nhiệt độ phòng trong 2 tháng mà không cần làm lạnh. Vì thế, bạn chỉ cần để tỏi ở bên ngoài, ở nơi khô ráo, thoáng mát.