Thống kê chính thức của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho hay, trong tháng 9/2022 Việt Nam xuất khẩu được 14.901 tấn, tiêu đen đạt 12.547 tấn, tiêu trắng đạt 1.544 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 57,6 triệu USD, tiêu đen đạt 48,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 8,7 triệu USD. So với tháng trước, lượng xuất khẩu giảm 25,7%, kim ngạch giảm 25,8%.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 3.603 tấn tuy nhiên lượng nhập khẩu giảm 23,6% so với tháng 8. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 đạt 2.125 tấn, giảm 25,7%. Trong tháng 9 hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đều giảm lượng nhập khẩu như Đức, Hà Lan, UAE, Ấn Độ, Singapore… Các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong tháng bao gồm: Olam Việt Nam: 2/035 tấn, Trân Châu: 1.265 tấn, Phúc Sinh: 1.047 tấn, Haprosimex JSC: 1.043 tấn…
Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyễn Duyên
Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, Việt Nam xuất khẩu được 177.221 tấn hồ tiêu các loại, tiêu đen đạt 152.768 tấn, tiêu trắng đạt 24.453 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 782,6 triệu USD, tiêu đen đạt 638,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 144,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu giảm 17,6% tương đương 37.905 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 7,6% tương đương 55,2 triệu USD.
Olam vươn lên trở thành doanh nghiệp đứng đầu xuất khẩu 9 tháng đạt 21.397 tấn, tăng 15,6%. Tiếp theo là công ty Trân Châu đạt 21.080 tấn, tăng 6,7%; Nedspice: 13.411 tấn, giảm 5,4%; Phúc Sinh: 11.739 tấn, giảm 12,8%; Haprosimex JSC: 11.108 tấn, tăng 9,6%… Xuất khẩu trong khối VPA giảm 7,3%, khối các doanh nghiệp ngoài VPA xuất khẩu giảm 47%. Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng chủ yếu: Olam: 4.317 tấn, Nedspice: 2.971 tấn, Trân Châu: 2.864 tấn, Liên Thành: 1.686 tấn, Phúc Sinh: 1.568 tấn.
Mỹ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam tuy nhiên so cùng kỳ lượng nhập khẩu của Mỹ giảm 12,4% đạt 41.163 tấn, tính chung cả khu vực châu Mỹ nhập khẩu giảm 12,3%. Nhập khẩu khu vực châu Âu giảm 12,5% trong đó Đức giảm 13,7% đạt 7.965 tấn; Hà Lan giảm 8,8% đạt 6.549 tấn; Ireland đạt 4.194 tấn tăng 11%; Anh: 4.105 tấn giảm 9,7%; trong khi đó xuất khẩu sang Nga giảm nhẹ 3,3%
Xuất khẩu sang châu Á giảm 22,5% trong đó giảm mạnh nhất ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực (giảm 67,8% so cùng kỳ). 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là UAE giảm 1,8% đạt 13.336 tấn và Ấn Độ tăng 3% đạt 11.332 tấn. Xuất khẩu cũng tăng mạnh ở Singapore, Nhật Bản, HongKong nhưng giảm mạnh ở Pakistan do vấn đề thanh toán. Thị trường châu Phi cũng ghi nhận sự sụt giảm khi 9 tháng xuất khẩu giảm 19%, trong đó xuất khẩu sang Ai Cập giảm 50,4% đạt 2.332 tấn. Xuất khẩu sang Nam Phi và Gambia cũng giảm trong khi sang Senegal và Algeria tăng.
Các thị trường nhập khẩu tiêu trắng hàng đầu: Mỹ: 3.932 tấn, Đức: 3.324 tấn, Hà Lan: 2.393 tấn, Thái Lan: 1.688 tấn, UAE: 1.413 tấn…
Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đánh giá, lượng hàng tồn hiện tại ước khoảng 80.000 - 100.000 tấn. Còn theo VPA, nguồn cung hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 280 - 290 nghìn tấn (gồm: 175 nghìn tấn sản lượng; 40 nghìn tấn nhập khẩu và 80 nghìn tấn tồn kho từ năm 2021 chuyển sang). Đây là khối lượng tương đối cao trong bối cảnh xuất khẩu các tháng đầu năm suy giảm.
Xuất khẩu tiêu của Việt Nam những tháng còn lại của năm nay trông chờ vào tín hiệu từ thị trường Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Với Trung Quốc, theo dự báo của một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng căng thẳng chính trị tại Đông Âu và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc.
Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho biết, Trung Quốc đã quay trở lại mua tiêu nhưng điều này có thể không đủ để thúc đẩy thị trường do Brazil và Indonesia đang bước vào mùa thu hoạch trong năm 2022. IPC kỳ vọng thị trường hạt tiêu sẽ ổn định và tăng lên trong các tháng cuối năm 2022.