Theo Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, trong tháng 9 năm 2021 Việt Nam xuất khẩu được 15.336 tấn hạt tiêu các loại, giảm 2.300 tấn, tức giảm 13,04 % so với tháng trước và giảm 2.916 tấn, tức giảm 19,12 % so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 9 đạt 61,84 triệu USD, giảm 4,64 triệu USD, tức giảm 19,12 % so với tháng trước nhưng lại tăng 16,15 triệu USD, tức tăng 35,36 % so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, lượng xuất khẩu hạt tiêu đạt tổng cộng 212.983 tấn tiêu các loại, kim ngạch đạt 719,16 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 lượng xuất khẩu giảm 3,2% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 47%.
Giá hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh? Ảnh: VTV.vn
Đứng đầu xuất khẩu hồ tiêu 9 tháng năm 2021 tiếp tục là công ty Trân Châu với lượng xuất khẩu đạt 19.749 tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là các doanh nghiệp: Olam: 18.511 tấn, tăng 7,4%; Nedspice: 14.170 tấn tăng 8,5%; Phúc Sinh: 13.455 tấn, giảm 19,9%; Haprosimex JSC: 10.137 tấn, giảm 8,5%; Liên Thành: 8.559 tấn, tăng 39,5%,… Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu: Olam: 3.377 tấn; Nedspice: 2.863 tấn; Liên Thành: 2.430 tấn, Trân Châu: 1.956 tấn, Phúc Sinh: 1.385 tấn, Hoàng Gia Luân: 1.182 tấn,…
Nhập khẩu của châu Mỹ tăng 11,7% trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam đạt 46.996 tấn, tăng 11,8% so cùng kỳ. Xuất khẩu cũng tăng ở các thị trường Canada, Guatemala, El Salvador… Khu vực châu Âu nhập khẩu tăng 3,2%, đứng đầu là các thị trường Đức: 9.230 tấn, tăng 6,8%; Hà Lan 7.184 tấn, tăng 22,3%; Anh: 4.545 tấn, tăng 7,2%,… Nhập khẩu cũng tăng ở Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Bỉ,… nhưng giảm ở Nga, Ireland, Ba Lan, Tây Ban Nha, Ucraina, Isarel,….
Nhập khẩu của châu Á giảm 7,2% trong đó nhập khẩu của Trung Quốc giảm 8,9% đạt 36.737 tấn. Đứng thứ 2 là thị trường Ả Rập đạt 13.579 tấn tăng 35,9%; Ấn Độ 10.990 tấn, tăng 2,2%; Pakistan: 9.549 tấn, tăng 11,5%; Các thị trường có lượng nhập khẩu tăng: Hàn Quốc, Iran, Papua New Guinea,… và giảm ở Philippine, Thái Lan, Nhật Bản,…
Ở khu vực châu Phi nhập khẩu giảm 32,6% trong đó đứng đầu là Ai Cập nhập 4.705 tấn, giảm 38,3%. Nhập khẩu cũng giảm ở Nam Phi, Senegal, Gambia, Tunisia,… Các nước nhập khẩu tiêu trắng hàng đầu: Đức: 4.205 tấn, Mỹ: 3.345 tấn, Hà Lan: 2.464 tấn, Trung Quốc: 2.362 tấn, Thái Lan: 1.327 tấn…
Sự sụt giảm của xuất khẩu trong quý III/2021 cũng là nguyên nhân khiến giá tiêu tăng mạnh từ đầu tháng 10/2021 đến nay. Nguyên nhân là bởi, sau khi nới lỏng giãn cách, các đơn vị xuất khẩu buộc phải thực hiện giao hàng theo hợp đồng, sau khi đã trì hoãn vì lý do dịch bệnh cản trở. Bên cạnh đó còn là sự quay trở lại của thương lái Trung Quốc, Mỹ.
Đáng chú ý, thị trường châu Âu, châu Á cũng đẩy mạnh mua hạt tiêu từ Việt Nam, với nhu cầu tăng mạnh từ Đức, Hà Lan, Pháp, Philippines, Pakistan... Bên cạnh đó, cuộc chiến chống Covid-19 đang dần được đẩy lùi, các doanh nghiệp cũng rục rịch thu mua để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm.
Ông Hoàng Phước Bính - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, giá tiêu tăng là chuyện bình thường. Giá tiêu không tăng cao mới là lạ, và đang tăng ở hầu hết các nước sản xuất lớn.
"Ngay từ đầu vụ thu hoạch năm nay, tôi đã dự báo giá tiêu sẽ tăng mạnh. Thậm chí đến cuối năm, giá tiêu có thể cán mốc 100.000 đồng/kg" - ông Bính nói.