Thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy, trong tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu 24.795 tấn hồ tiêu, trong đó tiêu đen đạt 21.337 tấn, tiêu trắng đạt 3.458 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 115,2 triệu USD, tiêu đen đạt 94,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 21,0 triệu USD. So với tháng 3, tăng 3,6% về lượng và tăng 1,9% về kim ngạch.
Mỹ, Ấn Độ, UAE, Đức và Hàn Quốc là các thị trường nhập khẩu lớn nhất trong tháng 4/2022. Trong đó, thị trường Mỹ nhập khẩu 5.156 tấn, chiếm 22,0% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam.
Top 5 doanh nghiệp (thuộc VPA) gồm: Pearl Group, Olam Việt Nam, Nedspice Việt Nam, Haprosimex JSC và Phúc Sinh tiếp tục là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong tháng 4.
Người nông dân thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Nguyên Hoàng
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 79.410 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 66.721 tấn, tiêu trắng đạt 12.689 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 369,7 triệu USD, tiêu đen đạt 293,5 triệu USD, tiêu trắng đạt 76,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 15,5% tương đương 14.611 tấn, tuy nhiên kim ngạch tăng 29,2% tương đương 83,6 triệu USD.
Nhập khẩu của châu Mỹ giảm 1%, trong đó Mỹ giảm 0,6% nhưng vẫn là thị trường nhập khẩu hồ tiêu hàng đầu của Việt Nam đạt 19.192 tấn, chiếm 24,2% tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu của cả nước.
Khu vực châu Âu nhập khẩu tiếp tục ở mức khả quan với mức tăng trưởng đạt 1,9% trong đó đứng đầu là Đức, Hà Lan, Ireland…, lượng nhập khẩu giảm ở Anh, Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…
Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang thị trường châu Á giảm 26,9%, tuy nhiên ghi nhận thị trường Ấn Độ nhập khẩu tăng 62,3% đạt 6.663 tấn. Tiếp theo là UAE, Hàn Quốc.
Riêng thị trường Trung Quốc nhập khẩu đạt 209 tấn trong tháng 4, đây là lượng nhập khẩu ít nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và đưa tổng lượng nhập khẩu 4 tháng đầu năm của thị trường này đạt 2.347 tấn, giảm 87,6% so với cùng kỳ…
Khu vực châu Phi nhập khẩu giảm 31,6% trong đó giảm mạnh nhất là thị trường Ai Cập từ mức 2.526 tấn của 4 tháng 2021 xuống còn 526 tấn của 4 tháng 2022. Riêng thị trường Algeria nhập khẩu tăng 354,2%. Các thị trường nhập khẩu tiêu trắng hàng đầu: Mỹ, Đức, Hà Lan, UAE…
Theo VPA, không chỉ xuất khẩu tăng mà nhập khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 4 tháng qua cũng tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể: Tháng 4/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 3.510 tấn hồ tiêu, trong đó tiêu đen đạt 2.771 tấn, tiêu trắng đạt 739 tấn. So với tháng 3/2022 lượng nhập khẩu giảm 8,2%, kim ngạch giảm 4,6%. Trong đó, Olam là doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất với khối lượng đạt 1.706 tấn, chiếm 48,6% tổng lượng nhập khẩu. Cambodia tiếp tục là thị trường cung cấp chủ yếu hồ tiêu cho Việt Nam đạt 1.795 tấn, chiếm 51,1%; tiếp theo là Indonesia và Brazil.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 12.105 tấn, trong đó tiêu đen đạt 10.456 tấn, tiêu trắng đạt 1.649 tấn, so với cùng kỳ năm trước lượng nhập khẩu tăng 6,9%.
Cambodia vươn lên trở thành quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022, đạt 4.709 tấn, tăng 241% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ Brazil đạt 3.915 tấn và Indonesia đạt 1.855 tấn với mức giảm tương ứng lần lượt là 1,4% và 61,7%. Olam tiếp tục là doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu đạt 4.764 tấn, chiếm 39,4% và tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Indonesia là quốc gia cung cấp chủ yếu tiêu trắng cho Việt Nam đạt 1.493 tấn, chiếm 90,5% tổng lượng nhập khẩu tiêu trắng của Việt Nam.
Theo VPA, niên vụ tiêu 2020 - 2021, hồ tiêu của cả nước bị mất mùa nên sản lượng chỉ đạt khoảng 195.000 tấn, và vụ tiêu năm nay lại tiếp tục mất mùa và năng suất giảm từ 10% - 15%, tương đương 20.000 tấn, ước sản lượng vụ tiêu này đạt từ 165.000 tấn - 175.000 tấn.
Sản lượng hồ tiêu trong nước liên tiếp sụt giảm, để có đủ nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu buộc doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu để chế biến xuất khẩu, đó cũng là nguyên nhân khối lượng hồ tiêu nhập khẩu trong thời gian qua tăng so với cùng kỳ và là yếu tố giúp Việt Nam duy trì là nước xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới.