Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 2/2022 đạt 11 nghìn tấn, trị giá 51 triệu USD, giảm 30,3% về lượng và giảm 31% về trị giá so với tháng 1/2022, nhưng tăng tới 32,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 27 nghìn tấn, trị giá 125 triệu USD, giảm 11,2% về lượng, nhưng tăng 43,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh. Ảnh: Vinanet.vn
Về giá tiêu xuất khẩu, trong tháng 2/2022, bình quân giá tiêu tiêu xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 4.654 USD/tấn, giảm 1,0% so với tháng 1/2022, nhưng tăng 60,6% so với tháng 2/2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước đạt 4.681 USD/tấn, tăng 61,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nông dân Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang bước vào vụ thu hoạch tiêu mới, giá tiêu xô duy trì ở mức cao. Cụ thể, giá tiêu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện ở mức 81.000 đồng/kg; Bình Phước, Đắk Lắk - Đắk Nông 80.000 đồng/kg; khu vực Gia Lai, Đồng Nai ở mức 78.500 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo năm 2022, giá hạt tiêu thế giới có những cơ sở để tăng giá do tình trạng mất mùa tại các nước sản xuất chính.
Brazil hiện là quốc gia duy nhất có nguồn cung tăng do có vụ thu hoạch ở phía Bắc của nước này, trong khi các quốc gia khác đều khan hàng.
Hiện nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tại Ấn Độ đã cải thiện khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau một thời gian dài bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu chúng ta không cải thiện về giá thành, chất lượng thì khách hàng có thể sẽ chuyển sang mua hạt tiêu Brazil nhiều hơn do giá cước vận tải tốt hơn.
Theo Hiệp hội Tiêu Việt Nam, giá tiêu trong năm 2022 khó quay lại thời hoàng kim 2016 với 200.000 đồng/kg, nhưng dự báo có thể đạt quanh mức 100.000 đồng/kg. Vấn đề đặt ra cho các vùng trồng tiêu trọng điểm là cần có một chiến lược thị trường bài bản để bán hay trữ lại một cách hợp lý, từ đó có khuyến nghị phù hợp với nông dân.