Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.783 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng mạnh vào phiên cuối tuần là do, tại một số nước châu Á đã xuất hiện ca bệnh nhiễm Covid-19 với biến thể mới là Omicron.
Tuần qua, giá vàng thế giới chịu áp lực mạnh từ các thông tin kinh tế tích cực, như: Chỉ số nhà quản trị sản xuất (PMI) tháng 11 đã tăng so với dự báo và so với tháng trước, trong khi đó chỉ số giá sản xuất tháng 11 giảm sau khi Mỹ có những biện pháp kiềm chế lạm phát. Những thông tin này đã khiến giá vàng có những phiên giảm sâu về dưới mức 1.770 USD, đúng như dự báo của chuyên gia.
Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, dù dịch bệnh đang có những diễn biến mới nhưng giá vàng vẫn gặp khó. Bởi một số quốc gia đã phát đi tín hiệu sẽ sớm có vaccine kiềm chế biến thể mới của Covid-19 và đầu năm sau 2022.
Cùng với đó, các số liệu kinh tế vẫn cho thấy tích cực. Ngoài những chỉ số sản xuất kể trên thì Bộ Lao động Mỹ vừa công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua ở mức 222.000 đơn, giảm mạnh so với mức dự báo là 240.000 đơn trước đó, tuy nhiên lại cao hơn tuần trước ở mức 194.000 đơn. Theo chuyên gia phân tích, đây vẫn là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở mức thấp kể từ khi xảy ra dịch bệnh trở lại đây.
Kết tuần, tính chung giá vàng thế giới trong tuần vẫn giảm 10 USD/ounce so với giá mở cửa tuần ngày 29/11.
Tuần qua, giá vàng trong nước cũng đi theo xu hướng thế giới. Bước giá điều chỉnh tương đối rộng ở mức trên dưới 200.000 đồng/lượng qua mỗi phiên. Theo nhận định của chuyên gia và một số doanh nghiệp thị trường vàng trong nước vẫn ảm đạm, một phần là do thị trường chứng khoán vẫn sôi động “hút” mạnh dòng tiền và giới đầu tư; một phần là do giá vàng trong nước quá cao so với thế giới. Tính theo tỷ giá USD trong ngày, giá vàng SJC trong nước cao hơn thế giới khoảng hơn 11 triệu đồng/lượng.
Kết tuần, giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 150.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC tại Doji đã tăng 150.000 đồng/lượng và tại Phú Quý lại đi ngược giảm 100.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Vàng nhẫn tròn trơn tại Phú Quý cũng giảm 250.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Vàng nhẫn 24K tại Công ty vàng Việt Nam Gold lại giảm đến 300.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Giá vàng, gas, trái cây đồng loạt giảm mạnh. Ảnh minh họa
Sau 6 tháng tăng liên tiếp, giá gas tháng 12 giảm 24.000 đồng
Từ ngày 1/12, giá gas bán lẻ trên thị trường đồng loạt giảm mạnh với mức giảm từ 24.000 - 24.500 đồng/bình 12kg (đã bao gồm thuế VAT) so với trước đó.
Theo đó, giá bán tối đa đến tay người dùng đối với gas SP của Saigon Petro là 454.000 đồng/bình 12kg, Gas Pacific, City Petro, Vimexco Gas giá 477.000 đồng/bình 12kg, gas Petrolimex Sai Gon giá 457.000 đồng/bình 12kg…
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá gas tháng 12 giảm là do giá gas thế giới nhập khẩu theo hợp đồng (CP) tháng 12 giảm về mức 772,5 USD/tấn, giảm 77,5 USD/tấn so với tháng 11.
Như vậy, sau 6 lần tăng giá liên tiếp trước đó với tổng mức tăng khoảng 117.500 đồng/bình 12kg, giá gas bán lẻ trong nước đã có lần giảm giá vào tháng cuối năm 2021.
Tháng 10 vừa qua chứng kiến mức tăng kỷ lục của giá gas khi mỗi bình 12kg có mức tăng 42.000 đồng. Dù tháng 10 giá gas tăng cao kỷ lục nhưng nếu so với những thời gian trước vẫn còn thấp.
Chẳng hạn đỉnh điểm giá gas tăng cao nhất lên 78.000 đồng/bình 12kg là tháng 12/2013, tháng 3/2012 giá gas tăng cao nhất 52.000 đồng, gần nhất tháng 1/2020 giá gas tăng cao nhất ở mức 48.000 đồng/bình 12kg.
Thời gian qua, gas tăng giá là một trong những nguyên nhân khiến các hàng quán tăng giá bán cho người tiêu dùng, thiết lập một mặt bằng giá bán mới.
Giá tôm thẻ chân trắng tăng nhẹ
Chiều 3/12, anh Lưu Trường Giang, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho công nhân kéo tôm mua được tại huyện Cù Lao Dung. Một nông dân xã An Thạnh Nam thu hoạch 2 ao tôm lót bạt được 10 tấn thẻ chân trắng kích cỡ 60-70 con/kg.
“Hai ao này người nuôi bán được 1,25 tỷ đồng, thu lãi 500 triệu. Giá tôm thẻ đang tăng 1.000-3.000 đồng mỗi kg đối với loại kích cỡ 30-100 con. Riêng loại tôm kích cỡ 25 con/kg giá 190.000 đồng, tăng 10.000 đồng so với 2 tuần trước”, anh Giang nói.
Theo anh Giang, tôm thẻ loại 20 con/kg giá ổn định 240.000 đồng, loại 30 con giá 168.000 đồng/kg, loại 40 con giá 148.000 đồng/kg, loại 100 con giá 102.000 đồng/kg…
Xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều loại trái cây rớt giá thê thảm
Mấy ngày gần đây, trái cây đưa đi xuất khẩu gặp khó khăn nên nhiều loại nông sản ở tỉnh Tiền Giang khó tiêu thụ, giá giảm mạnh.
Mít là loại trái cây bị rớt giá nặng nề nhất hiện nay tại tỉnh Tiền Giang. Tại huyện Cai Lậy nhà vườn bán mít giá trung bình từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg, nhưng thương lái rất kén chọn. Các trái mít bị xơ đen, côn trùng làm hỏng vỏ...thương lái không thu mua. Các loại trái cây khác như khóm (dứa), mãng cầu xiêm, hồng xiêm, xoài ...giá cũng giảm từ 10-15% so với tuần trước. Đối với trái thanh long ruột trắng hiện giảm còn trên dưới 8.000 đồng/kg; ruột đỏ khoảng 15.000 đồng/kg. Ở thời điểm mùa nghịch mà mức giá này, nhà vườn trồng cây thanh long không có lãi.
Tiền Giang là “thủ phủ” vườn cây ăn trái của cả nước với gần 80.000 ha, gồm 11 loại trái cây đặc sản. Việc đầu ra trái cây khó khăn đã ảnh hưởng đến thu nhập người dân. Theo các doanh nghiệp, thương lái, gần đây, giá trái cây sụt giảm là do một số cửa khẩu của Trung Quốc đóng cửa hoặc hạn chế phương tiện đưa trái cây xuất khẩu, gây ùn ứ, dội hàng.
Ông Nguyễn Trung Quý, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang - đơn vị chuyên mua trái thanh long ruột đỏ xuất khẩu chia sẻ: “Hiện tại giá (trái thanh long ruột đỏ) mua ngoài đồng giá 15.000 - 16.000 đồng/kg. So với tuần trước giảm từ 2000 đồng đến 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân do cửa khẩu bị ùn ứ, một số thương lái Trung Quốc rút đi bớt, chỉ cần một số kho của Việt Nam đóng gia công thôi, nên giá thị trường giảm. Hiện nay, đang tìm đầu ra, rất khó khăn. Nếu tính phân thuốc thì nhà vườn không có lãi”.