Giá vàng tăng phi mã
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.864 USD/ounce, tăng 5 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 đã giảm từ 4,8% tháng trước xuống còn 4,6%, và thấp hơn mức 4,7% dự báo trước đó. Tuy nhiên, giá vàng thế giới vẫn tăng.
Tuần qua, thị trường chứng kiến giá vàng thế giới liên tục leo cao. Tính đến phiên sáng nay, giá vàng thế giới đã tăng 4 phiên liên tục. Kết tuần, giá vàng thế giới đã tăng 51 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Nguyên nhân dẫn đến giá vàng tăng được các chuyên gia phân tích như sau: Mặc dù, trong tuần qua thị trường có khá nhiều yếu tố gây tác động lên thị trường giá vàng như Mỹ mở cửa cả đường bộ và hàng không để đón khách du lịch, cũng như tạo điều kiện cho các chuỗi cung ứng hàng hóa nối lại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hay Tổng thống Mỹ - ông Biden cho biết sẽ cùng Chính phủ giải quyết vấn đề lạm phát hiện nay.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy giá vàng đi lên chính là 2 số liệu mà Mỹ công bố hồi giữa tuần đó là chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cả 2 số liệu này đều tăng cao hơn tháng trước và cao hơn cùng kỳ năm trước. 2 chỉ số này phản ánh chỉ số lạm phát ở hiện tại và tương lai vẫn còn tăng mạnh. Do đó, giới đầu tư đã gom mạnh vàng để tránh rủi ro cho dòng tiền và tìm kiếm lợi nhuận. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng kim loại quý tăng cao ở Ấn Độ và Trung Quốc, do đó đã đẩy giá vàng tăng cao.
Nhận định của chuyên gia, thị trường vàng chưa thể hạ nhiệt, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như các nước trong khu vực châu Âu chưa kiểm soát được lạm phát, nhất là nhừng dịp mua sắm cuối năm đã đến cận kề, người tiêu dùng đang phải đối mặt với giá cả hành hóa leo thang.
Để giải quyết vấn đề lạm phát đang “nóng” ở Mỹ và châu Âu, các chuyên gia cũng cho rằng: Ngoài việc các ngân hàng trung ương các nước thắt chặt dần tiền tệ, thì quan trọng nhất hiện nay là chính phủ các nước phải tìm biện pháp tháo gỡ cho các chuỗi cung ứng hành hóa, để thị trường hạn chế thiếu hụt nguồn cung. Có như vậy thì giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào giảm, giá hàng hóa sản xuất cũng giảm theo, kéo lạm phát đi xuống.
Tuần qua, giá vàng trong nước đã đi theo xu hướng thế giới, tăng liên tục 6 phiên liền. Phiên đầu tuần dù giá vàng thế giới giảm nhưng SJC vẫn tăng.
Giá vàng SJC trên thị trường tự do đến sáng nay đã tăng 1,85 triệu đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với giá mở cửa tuần.
Vàng SJC niêm yết tại Doji đã tăng 1,8 triệu đồng/lượng chiều mua và tăng 1,9 triệu đồng/lượng chiều bán. Tại Phú Quý vàng SJC tăng 1,8 triệu đồng/lượng chiều mua và tăng 1,95 triệu đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa tuần.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc những ngày qua lượng giao dịch mua vào trên thị trường Việt Nam đã nhích tăng, với tỷ lệ 60% lượng khách mua và có 40% lượng khách gia dịch bán ra. Dự kiến thị trường vàng trong nước sẽ ấm dần lên cho đến ngày Vía Thần tài vào mồng 10 tháng Giêng Âm lịch năm sau.
Giá vàng, xăng dầu, thực phẩm đồng loạt tăng mạnh.
Giá rau xanh tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm
Ghi nhận tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh như chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Bến Thành (Quận 1), chợ Phước Bình (thành phố Thủ Đức)... các loại rau củ quả đều đã được điều chỉnh tăng giá so với tuần trước. Cụ thể, giá cà chua có giá 20.000 - 35.000 đồng/kg (tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg); xà lách từ 50.000 - 60.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), cải bó xôi 40.000 - 50.000 đồng/kg (tăng khoảng 6.000 đồng/kg), cải xanh từ 25.000 - 30.000 đồng/kg (tăng 2.000 - 5.000đồng/kg), bí xanh có giá dao động 30.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg) …
Theo một số tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống, giá các mặt hàng rau, củ quả tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do giá chi phí vận chuyển, sản xuất tăng do giá xăng tăng, cùng với đó nguồn hàng đang khan hiếm do các tỉnh miền Trung, miền Tây đang vào mùa mưa nên các loại rau lá dễ bị hư hỏng, dập nát...
Anh Nguyễn Minh Thức, chủ doanh nghiệp chuyên bán rau sạch tại TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu tháng 9 giá các mặt hàng rau xanh nhập từ Đà Lạt và các tỉnh miền Tây đã được điều chỉnh tăng từ 10-15%, đến nay đã tăng lên 30%. Mặc dù các nhà cung cấp cam kết sẽ giữ giá này theo hợp đồng đến hết năm 2021 nhưng trong dịp Tết nguyên đán, khó có thể đảm bảo không tăng.
Trong khi đó, những ngày qua giá rau, củ quả tại Đà Lạt và Lâm Đồng cũng đang tăng mạnh. Cụ thể, súp lơ xanh giá 20.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; su su 6.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg… Tăng mạnh nhất là rau xà lách lolo xanh 35.000 đồng/kg, tăng 17.000 đồng/kg; ớt chuông Đà Lạt 45.000 đồng/kg, tăng 23.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó một tuần...
Theo các tiểu thương kinh doanh rau xanh tại Đà Lạt, rau xanh tăng giá là do nguồn cung đang khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường tiêu thụ thị trường các tỉnh phía Nam đang tăng mạnh, nhất là các điểm tập kết rau lớn tại TP Hồ Chí Minh như chợ đầu mối Bình Điền, chợ nông sản Thủ Đức, Hóc Môn đã mở cửa trở lại. Hiện nay, trung bình mỗi ngày các vùng trồng rau xanh của tỉnh Lâm Đồng xuất ra thị trường hơn 5.000 tấn rau, củ các loại, trong đó phần lớn tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn hàng về TP Hồ Chí Minh dịp cuối năm khá đa dạng nên không lo tình trạng thiếu hụt nguồn hàng. Hiện tại, giá bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống… được một số đơn vị cam kết bình ổn giá để chia sẻ với người tiêu dùng. Dù vậy, tại các chợ truyền thống vẫn còn tình trạng điều chỉnh giá bán một số loại giá bán mặt hàng rau xanh, củ quả... do chi phí đầu vào tăng nên các tiểu thương phải điều chỉnh.
Tôm, cua đồng loạt tăng giá
Ngày 10/11, anh Lưu Trường Giang, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng), cho biết công nhân đang thu hoạch tôm thẻ nuôi theo mô hình ao lót bạt tại xã Tài Văn. Hai ao của một gia đình ở khu vực Sung Đinh kéo được 10 tấn tôm loại 30 con mỗi kg, giá bán 165.000 đồng/kg.
“Hai ao tôm của khách bán được trên 1,6 tỷ đồng. Sau 95 ngày nuôi, khách lãi khoảng 700 triệu là quá tốt”, anh Giang nói.
Theo anh Giang, giá tôm thẻ loại 20 con/kg giá cao nhất là 240.000 đồng/kg. Các kích cỡ khác giảm dần là 25 con giá 180.000 đồng/kg, loại 100 con 98.000 đồng/kg...
Không chỉ Sóc Trăng, nông dân Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh… cũng đang thu hoạch tôm thẻ cuối vụ. Tại Sóc Trăng hiện còn 11.790 ha tôm. Trong đó, thẻ chân trắng 8.390 ha, tôm sú hơn 3.399 ha.
Tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), nông dân cũng đang thu hoạch tôm càng xanh cuối vụ. Tôm loại 10-12 con/kg giá tăng từ 80.000 - 90.000 đồng lên 110.000 - 120.000 đồng/kg.
Tôm sú khu vực này loại 20 con/kg được tư thương mua với giá khoảng 250.000 đồng, 30 con/kg 180.000 - 190.000 đồng.
Một loại hải sản khác ở miền Tây đang tăng giá là cua biển. Trong đó, cua gạch loại nhất (1 kg 2 con) tăng từ 300.000 lên 350.000-360.000 đồng/kg; cua thịt 240.000 tăng lên 270.000 - 280.000 đồng/kg, loại 4 con/kg giá 230.000 đồng/kg.
Giá xăng tiếp tục tăng lên sát mốc 25.000 đồng/lít
Tại kỳ điều chỉnh ngày 10/11, liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng nhưng trích quỹ bình ổn với dầu mazut 500 đồng/kg, với dầu hỏa 150 đồng/lít.
Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 800 đồng/lít, xăng RON 95 là 100 đồng/lít; với dầu diesel là 8 đồng/lít, dầu hỏa 44 đồng/lít.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá, liên Bộ Công thương- Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 giờ chiều nay như sau:
Xăng E5RON92 tăng 550 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 660 đồng/lít; Dầu diesel và dầu hỏa không điều chỉnh; Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 390 đồng/kg.
Theo đó: Xăng E5RON92: không cao hơn 23.660 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 24.990 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 18.710 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 17.630 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.820 đồng/kg.
Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước đã có lần tăng thứ 5 liên tiếp. Giá xăng trong nước hiện ở mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm qua.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế đang rất khó khăn, trong khi giá xăng là đầu vào của các hoạt động kinh tế xã hội. Giá xăng tăng cao sẽ đẩy chi phí nhiều lĩnh vực khác, gây thêm khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế.
"Trong bối cảnh này, chúng ta cũng phải xem xét tổng thể những khoản gì đã làm cho giá xăng dầu đội lên. Xem xét để thấy được các chi phí nào cần phải rà soát lại và cắt giảm để giá xăng dầu không tăng quá cao", một đại biểu Quốc hội kiến nghị.
Thảo luận trước Quốc hội mới đây, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu tăng rất nhanh. "Chúng ta vẫn còn dư địa, các công cụ như thuế nhập khẩu, GTGT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng", đại biểu Ngân nêu quan điểm.
Tại kỳ điều chỉnh ngày(26/10), liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá xăng dầu như sau: Xăng E5RON92 tăng 1.430 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 1.460 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 1.170 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 120 đồng/kg. Theo đó: Xăng E5RON92: không cao hơn 23.110 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 24.330 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 18.710 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 17.630 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.210 đồng/kg.