Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.787 USD/ounce, giảm hơn 8 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần này giá vàng thế giới đã chịu áp lực bởi các thông tin kinh tế tích cực từ khu vực kinh tế châu Âu nói chung và Đức nói riêng, hay xuất khẩu ở Trung Quốc đã tăng mạnh trong tháng 8. Ngày 9/9, Bộ Lao động Mỹ còn công bố số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tại Mỹ đáng khả quan, giảm 35.000 xuống 310.000 đơn, thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020.
Quỹ ủy thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust đã quay lại bán ròng kim loại quý. Trong ngày 9/9 quỹ này đã bán ra 0,35 tấn vàng, lượng vàng của quỹ hiện chỉ còn 998,17 tấn. Kết tuần, giá vàng thế giới đã giảm mạnh 33 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Thị trường đang dồn tâm điểm vào chỉ số giá sản xuất (PPI) - đo lường mức độ biến động giá bán của các nhà sản xuất của Mỹ trong tháng 8. PPI tháng 8 của Mỹ dự báo tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,6% so với tháng 7. PPI lõi tháng 8 được dự báo tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia nhận định, nếu số liệu PPI tốt hơn hoặc bằng dự báo thì đồng USD tiếp tục mạnh lên, điều này sẽ đẩy giá vàng lùi sâu. Ngược lại, PPI yếu hơn dự báo, cơ hội cho vàng đi lên.
Tuy nhiên, thị trường cũng cần nhìn nhận thêm những thông tin tích cực đối với nền kinh tế đó là: Tổng thống Mỹ ông Biden mới thông báo kế hoạch phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó bắt buộc tiêm vaccine đối với một số đối tượng như: Các doanh nghiệp có trên 100 lao động trở lên phải tiêm phòng cho công nhân, người lao; tiêm phòng vaccine cho đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế, tiêm phòng cho học sinh từ 12 tuổi trở lên, thực hiện xét nghiệm và đeo khẩu trang nơi công cộng và trong làm việc.
Mặc dù vẫn còn những ý kiến trái chiều về kế hoạch này của Tổng thống Mỹ, tuy nhiên theo chuyên gia điều này thực hiện được thì nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi mạnh. Như vậy, sẽ đẩy giá vàng lùi sâu.
Giá vàng trong nước tuần qua chỉ có SJC trên thị trường tự do điều chỉnh tăng- giảm theo xu hướng thế giới. Còn vàng SJC và vàng nhẫn tại các doanh nghiệp hầu hết không có điều chỉnh giá ngay đầu phiên. Sự điều chỉnh giá của các doanh nghiệp chỉ diễn ra trong thời gian giao dịch.
Nhìn chung thị trường vàng trong nước trong những ngày giãn cách xã hội diễn ra ảm đạm. Nguyên nhân chính là bởi nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh vàng tại những tỉnh thành phố lớn phải đóng cửa để phòng dịch. Việc giao dịch online cũng bị hạn chế bởi vàng là loại vật chất, khi giao nhận gặp nhiều khó khăn nếu đầu tư.
Ảnh minh họa. Ảnh: Bưởi da xanh Bến Tre
Giá bưởi da xanh giảm tới 50%
Theo chị Thanh (chủ kinh doanh trái cây tại Kim Bảng, Hà Nam) cho biết: Trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, bưởi da xanh được các chủ vườn xuất khẩu sang các nước rất nhiều, khiến mặt hàng này có giá khá cao trong nước. Nếu bưởi năm roi hay bưởi đoan hùng đều bán theo quả, thì bưởi da xanh lại bán theo cân.
"Thời điểm đó, giá bưởi da xanh nhập sỉ đã là 35.000 đồng/kg rồi, bán lẻ ra phải 55.000 đồng - 60.000 đồng mới bù lại tiền xăng xe. Nhưng hiện nay thì giá nhập vào khá thấp, loại đẹp chỉ 16.000 đồng/kg, loại nhỏ hơn 6 - 8 gram thì có giá 11.000 đồng/kg. Trừ chi phí đi lại, xăng xe thì bán lẻ cũng chỉ khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg, giảm hơn rất nhiều so với trước đó".
Cũng theo chị Thanh, dù hiện tại giá bưởi da xanh giảm mạnh như vậy, nhưng vẫn ế vì không có người mua, lượng người đi chợ giảm nhiều vì giãn cách Covid-19.
Giá bán chôm chôm chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg
Hiện nay, chôm chôm tại tỉnh Bến Tre đang vào mùa thu hoạch nhưng các thương lái hạn chế thu mua, giá xuống rất thấp làm người nông dân bị lỗ nặng.
Cụ thể, tại các nhà vườn giá bán chôm chôm chỉ còn từ 6.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, giảm 2-3 lần so với cùng vụ năm ngoái. Điều đáng quan tâm là do tiêu thụ chậm nên nhiều vườn chôm chôm đang chín đỏ có nguy cơ bị thiệt hại nếu không thu hoạch kịp thời. Chỉ tính riêng tại huyện Châu Thành đang có hàng trăm tấn chôm chôm cần được tiêu thụ.
Bên cạnh đó, việc thiếu nhân công thu hoạch, phương tiện vận chuyển khó khăn do đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng gây ảnh hưởng.
Trước tình trạng này, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre và chính quyền các địa phương có diện tích cây chôm chôm đang triển khai các giải pháp giúp nhà vườn bán trái chôm chôm thương phẩm; hỗ trợ nhà vườn trong thu hoạch, vận chuyển, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Sở Công Thương Bến Tre cũng cố gắng kết nối với Siêu thị Co.opmart Bến Tre, Siêu thị Go! Bến Tre, Hệ thống cửa hàng Bách hoá xanh để tiêu thụ trái chôm chôm.
Tôm thẻ chân trắng rớt giá
Ông Nguyễn Gần, một người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Vạn Thọ (Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho biết, từ đầu năm đến nay, người nuôi tôm trên địa bàn thả nuôi cũng tương đối đạt. Song giá tôm liên tục giảm khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn, thu hoạch không có lãi.
Theo ông Gần, hiện giá tôm chỉ còn 78.000 đồng/kg loại 100 con/kg, trong khi đầu năm ở mức 100.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cũng rất chậm, người nuôi phải mất cả tuần gọi thương lái mới xuống được ao thu mua cho bà con.
“Với giá tôm hiện nay, bà con thu hoạch không có lãi mấy, thậm chí thua lỗ nặng nếu nuôi hao hụt cao. Các thương lái giải thích giá tôm giảm mạnh chủ yếu do việc vận chuyển qua các chốt kiểm soát khó khăn, cộng với một số nhà máy ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 hoặc không có công nhân làm việc”, ông Gần chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều loại vật tư như thuốc thủy sản, thức ăn, con giống… phục vụ cho nuôi tôm hiện đều tăng từ 10% trở lên. Điều này khiến nhiều người nuôi tôm như "ngồi trên đống lửa" với tâm trạng lo lắng, bởi không biết tình hình trong thời gian tới giá sẽ nhích lên hay tiếp tục hạ nữa.
Như gia đình ông Hồ Mười, ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ hiện có 4 ao đang nuôi tôm, trong đó 2 ao với tổng diện tích gần 4.000 m2 đã nuôi được 3 tháng, đến thời kỳ xuất bán vì tôm đã đạt kích cỡ từ 80 - 100 con/kg. Tuy tiên, ông Mười vẫn phải cố giữ lại nuôi để chờ giá lên.
Ông Mười than vãn, 2 ao nuôi của gia đình ông thời gian qua có hiện tượng bị bệnh phân trắng nên hao hụt nhiều, nếu thu hoạch chỉ khoảng 10 tấn là cùng. Trong khi chi phí của ông bỏ ra đầu tư đã tốn hơn 700 triệu, chưa kể công chăm sóc. Nếu bán giá tôm hiện tại sẽ cầm chắc lỗ.
Tại xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa), nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng cũng đang rầu vì giá tôm thương phẩm cũng giảm mạnh, tiêu thụ chậm khiến nuôi khó lãi. Ngay cả anh Lê Minh Chính ở xã Ninh Phú áp dụng nuôi tôm theo công nghệ Semi biofloc giảm chi phí đầu vào vừa xuất 40 tấn tôm nhưng cũng chỉ huề vốn.
Anh Chính cho biết, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến giá xuống thấp, tiêu thụ khó khăn nên bà con nuôi khó lãi. Vừa qua, anh nuôi tôm có ao tôm lớn cỡ 50 con/kg nhưng chỉ bán được với giá 100.000 đồng/kg, rất thấp. Trước tình hình hiện tại và không biết trong thời gian tới giá tôm sẽ như thế nào nên anh đã chọn giải pháp giảm diện tích thả nuôi một nửa so với bình thường.
Giá cua miền Tây tăng mạnh
Sau thời gian tụt giá, giá cua biển tại Cà Mau tăng dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Cụ thể, cua gạch được thương lái đến tận vuông thu mua với giá 300.000 đồng/kg, cua y nhất 170.000 đồng/kg, cua y tứ (loại dưới 300gram) 120.000 đồng/kg.
Những hộ nuôi cua biển ở huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) cho biết hiện sản lượng cua thương phẩm trong người dân rất nhiều do trước đó hộ nuôi canh thời điểm xuống giống để có cua bán vào dịp lễ 2/9 và Tết Trung thu.
"Cua năm nay giá không bằng những năm trước nhưng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì được vậy là mừng lắm rồi. Mỗi ngày, tôi đặt rập được trên dưới 5kg cua thì cũng bỏ túi hơn 1 triệu đồng" - lão nông Nguyễn Văn Đảo phấn khởi nói.
Xăng dầu đồng loạt tăng giá
Tại kỳ điều chỉnh ngày 10/9, Liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92, tuy nhiên, trích quỹ cho xăng RON 95 là 150 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa cùng 200 đồng/lít, dầu mazut 100 đồng/kg.
Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 900 đồng/lít. Các mặt hàng còn lại không được chi.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá, Liên Bộ Công thương- Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 giờ chiều nay như sau: Xăng E5RON92 tăng 252 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 266 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S tăng 360 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 320 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 900 đồng/kg.
Theo đó: Xăng E5RON92: không cao hơn 20.143 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 21.397 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.022 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 15.082 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.952 đồng/kg.