Giá vàng tăng nhẹ
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.827 USD/ounce, tăng hơn 16 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần qua, thị trường vàng thế giới phụ thuộc vào thông tin việc làm tháng 8 tại Mỹ. Số liệu việc làm ở lĩnh vực tư nhân tại Mỹ tháng 8 chỉ tạo ra được khoảng 1/2 số liệu kỳ vọng. Sau thông tin này, giá vàng thế giới không có nhiều biến động mà chỉ nhích tăng. Bởi giới đầu tư dồn tâm điểm vào báo cáo việc làm tháng 8 ở lĩnh vực phi nông nghiệp công bố vào ngày 3/9.
Bộ Lao động Mỹ mới công bố, số đơn xin thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần qua đã giảm 14.000 đơn xuống còn 340.000 đơn, đây là mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra ở Mỹ. Tuy nhiên, Bộ này đã công bố báo cáo việc làm tháng 8 ở lĩnh vực phi nông nghiệp chỉ đạt 235 nghìn việc làm, thấp hơn nhiều so với mức dự báo trước đó là 750 nghìn việc làm và thấp hơn mức đạt được tháng trước là 1.053 việc làm.
Cùng với đó, thị trường còn chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ở một số quốc gia do đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã khiến nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy.
Cụ thể, Trung Quốc vừa công bố chỉ số nhà quản trị (PMI) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã giảm từ 50,4 điểm tháng 7 xuống còn 50,1 điểm trong tháng 8 và kéo dài chuỗi 3 tháng giảm liên tục. Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ còn giảm mạnh xuống 47,4 điểm, dưới mức trung bình.
Chỉ số PMI đo lường “sức khỏe” nền kinh tế của ngành sản xuất. Các chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc giảm, cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới đang rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại. Cùng với đó, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang cho dấu hiệu suy giảm tăng trưởng.
Những thông tin kinh tế, việc làm kém khả quan đã đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh vào phiên cuối tuần. Chốt tuần, giá vàng thế giới tăng nhẹ 5 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Tuần qua, giá vàng trong nước tại thị trường tự do có điều chỉnh tăng - giảm theo xu hướng thế giới, nhưng các doanh nghiệp gần như không đi theo xu hướng thế giới. Hầu hết các đơn vị thường niêm yết ngang giá.
Kết thúc tuần, giá vàng SJC trên thị trường tự do tăng 150.000 đồng/lượng so với mở cửa tuần. Tại Doji giá vàng SJC ngang giá, còn Phú Quý tăng 100.000 đồng/lượng so với mở cửa tuần.
Ảnh minh họa. Ảnh: Hanoimoi.com.vn
Giá gà giảm sâu do Covid-19
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, do tác động của dịch Covid-19, giá gia cầm tại nhiều địa phương phía Nam đang giảm sâu.
Cụ thể, giá gà thịt lông màu các tỉnh phía Nam chỉ còn 25.000 - 30.000 đồng/kg, các tỉnh phía Bắc khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Giá gà công nghiệp trắng các tỉnh phía Bắc khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg; các tỉnh phía Nam chỉ còn 6.000 - 10.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, do khó khăn trong vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên sản phẩm chăn nuôi đang ứ đọng, quá tuổi.
"Đặc biệt tại các tỉnh Nam Bộ các doanh nghiệp chăn nuôi chỉ tiêu thụ được 5-10% gà công nghiệp trắng, hiện nay 19 tỉnh Nam Bộ có khoảng 9,3 triệu con gà lông trắng đã đến tuổi xuất chuồng, trong đó trên 4 triệu con đã quá tuổi khối lượng trên 3,8kg" - ông Trọng cho biết.
Trong khi đó, tổng lượng gia cầm đưa vào giết mổ ở các địa phương này giảm tới 49,8% (giảm mạnh nhất ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An).
Nguyên nhân chính là do việc đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống, xét nghiệm Covid-19 khó khăn dẫn đến thiếu lao động; nhiều cơ sở giết mổ không đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ".
Giá nhiều loại hải sản giảm mạnh
Thông tin trên được lãnh đạo tỉnh Cà Mau chia sẻ tại diễn đàn nông sản 970 ngày 31/8. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khiến người nuôi tôm đang bị thua lỗ.
Hiện tôm sú, thẻ chân trắng trong tỉnh được thu mua với giá từ 60.000-200.000 đồng một kg (tùy loại), giảm 20-30% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng trung bình khoảng 10%.
"Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đã làm cho thị trường tiêu thụ tôm gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp, thương lái giảm sức mua hoặc mua với giá thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân", ông Sử nói.
Theo ông Sử, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 40 nhà máy chế biến thủy sản, với sản lượng tôm chế biến khoảng 150.000 tấn một năm. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp có đủ năng lực và đáp ứng mô hình sản xuất "3 tại chỗ" chỉ đáp ứng dưới 50%. Đặc biệt, các cơ sở chế biến tôm nhỏ, lẻ chưa đáp ứng các điều kiện sản xuất trong thời điểm dịch bệnh theo quy định đã phải tạm ngưng hoạt động khiến nguồn tôm nguyên liệu bị tồn đọng, giá đang rớt mạnh.
Cùng với tôm, mực tươi, cá và các loại khô trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang giảm 20-40%. Đáng báo động là các cơ sở đánh bắt cũng đang giảm hoạt động khiến nguồn cung các sản phẩm này khá hạn chế.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân, ông Sử cho biết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp Sở Công Thương theo dõi, cập nhật diễn biến, tình hình giá tôm trên thị trường, để có những thông tin kịp thời, chính xác.
"Bên cạnh nỗ lực tháo gỡ khó khăn, ông Sử đề nghị các cơ quan chức năng cần có sự hỗ trợ để các doanh nghiệp này vay vốn duy trì sản xuất", ông Sử đề nghị.
Giá mít Thái tăng mạnh
Dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá lớn đến việc vận chuyển, mua bán nhưng mít Thái vẫn có đợt tăng giá sốc.
Ông Trần Văn Chiến, một chủ vựa thu mua mít Thái ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, những ngày qua, giá mít Thái đã tăng rất mạnh, gấp 10 lần so với cách đây khoảng hai tháng.
Tại tỉnh Tiền Giang, mít Thái loại I được thu mua tại vựa với giá 52.000-55.000 đồng/kg; mít kem loại lớn có giá 38.000-40.000 đồng/kg; mít kem loại nhỏ có giá 25.000-27.000 đồng/kg. Mít Thái loại I ở các địa phương khác như Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh được thu mua tại vườn với giá 46.000-48.000 đồng/kg, mít kem lớn là 35.000-36.000 đồng/kg và mít kem nhỏ là 20.000-21.000 đồng/kg.
Ông Chiến cho rằng, yếu tố chính tác động đến giá mít là do cung cầu, tức nhu cầu thị trường có nhưng nguồn cung đang rất hạn chế.
Sầu riêng, chôm chôm rớt giá
Sầu riêng Đắk Lắk đang được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 28.000-32.000 đồng/kg, thậm chí một số vườn dưới 20.000 đồng/kg. Những trái nhỏ (hàng dạt) thương lái chỉ trả 5.000 đồng/kg.
Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) - cho biết, giá sầu riêng Đắk Lắk đang được công ty thu mua từ 20.000-35.000 đồng/kg, tùy loại, tùy chất lượng. Mức này giảm khoảng 30-40% so với mọi năm. Bà Vy lý giải giá sầu riêng xuống thấp, ngoài khó khăn về vận chuyển, chi phí thu mua tăng cao... thì đầu ra của mặt hàng này rất hẹp. Hầu hết các tỉnh, thành phía Nam đều đang thực hiện giãn cách, rất khó để bán mặt hàng trái cây này.
Trái chôm chôm cũng đang trong tình cảnh tương tự do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân đành phải ngậm ngùi bán chôm chôm với giá chưa đến 5.000 đồng/kg. Cụ thể, các loại chôm chôm thường giá chỉ từ 1.000-3.000 đồng/kg. Chôm chôm nhãn hay chôm chôm thái có giá dao động từ 8.000 đồng đến dưới 10.000 đồng/kg.
Giá gas tháng 9 tiếp tục tăng
Chiều 3/18, đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết, từ ngày 1/9, giá gas bán lẻ của công ty sẽ tăng 208 đồng/kg (đã VAT), tương đương tăng 2.500 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 419.500 đồng/bình 12kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam thông báo giá bán Petro VIETNAM Gas cũng tăng 2.500 đồng/bình 12 kg và 9.375 đồng/bình 45kg. Theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng là 418.900 đồng/bình 12kg và 1.571.170 đồng/bình 45kg.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương thông báo các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp tăng 167 đồng/kg, tương ứng mức tăng 1.000 đồng/bình 6kg, 2.000 đồng/bình 12kg, 7.500 đồng/bình 45kg.
Ông Lê Quang Tuấn - phó giám đốc Công ty cổ phần thương mại dầu khí Thái Bình Dương - cho hay các sản phẩm gas Pacific, Vimexco Gas và City Petro đều tăng, với mức giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 442.000 đồng/bình 12kg, 1.655.000 đồng/bình 45kg và 1.840.000 đồng/bình 50kg.
Lý giải giá gas tháng 9/2021 tăng, các công ty gas cho biết do giá gas thế giới tháng 9 công bố 665 USD/tấn, tăng 7,5 USD/tấn so với tháng 8. Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.