Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.808 USD/ounce, tăng 4 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Chính phủ Mỹ đưa ra thông tin dự kiến đưa 10 doanh nghiệp và thực thể của Mỹ vào trừng phạt kinh tế chỉ sau gần 1 tháng Bộ Thương mại Mỹ hạn chế xuất khẩu đối với 5 công ty của Trung Quốc đối với sản phẩm vật liệu làm pin năng lượng mặt trời với cáo buộc liên quan đến vấn đề cưỡng bức lao động người ở Tân Cương.
Giới đầu tư lo ngại rằng, các nền kinh tế vẫn đang bị tổn thương do dịch bệnh, nếu gia tăng căng thẳng thương mại thì sẽ có thêm những yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng của các nền kinh tế. Đây là lý do khiến giới đầu tư tăng lượng nắm giữ vàng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Tuần qua, thị trường vàng trông chờ vào biên bản cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cuối cùng Fed chưa đưa ra được thời điểm hạ tỷ lệ mua trái phiếu doanh nghiệp. Lạm phát đang gia tăng, việc Fed chưa có động thái nào hạn chế lượng tiền lưu thông trên thị trường khiến cho giới đầu tư lo ngại rủi ro. Cùng với đó, đồng USD quay đầu giảm đã hỗ trợ cho vàng tăng giá. Chốt tuần, giá vàng thế giới đã tăng 20 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Chuyên gia nhận định, giá vàng vẫn đã nhận được sự hỗ trợ của thị trường với yếu tố lạm phát tăng. Cùng với đó, thị trường chứng khoán từ Mỹ, châu Âu, châu Á đang có thời điểm điều chỉnh giảm mạnh, giới đầu tư đang lo ngại làn sóng dịch bệnh lần thứ tư ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nên chuyển dòng tiền nắm giữ vàng nhiều hơn.
Tuần qua, thị trường vàng trong nước vẫn ảm đạm do thiếu vắng nhà đầu tư lớn. Các phiên giá vàng được điều chỉnh tăng là chủ yếu, nhưng bước giá điều chỉnh hẹp chỉ từ 20.000 - 80.000 đồng/lượng.
Chốt tuần, giá vàng SJC trên thị trường tự do và ở Tập đoàn Doji tăng 100.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC tại Phú Quý tăng 220.000 đồng/lượng.
Chuyên gia nhận định, giá vàng trong nước vẫn gặp khó khăn, bởi kinh tế vĩ mô vẫn đang có nhiều triển vọng. Thị trường chứng khoán mặc dù bước vào đợt điều chỉnh, nhưng vẫn đón lượng tiền thanh khoản tăng mạnh. Điều này cho thấy giới đầu tư vẫn đang tìm kiếm lợi nhuận từ tài sản sinh lời là cổ phiếu, nên tài sản phòng tráng rủi ro là vàng chưa nhận được sự hỗ trợ của dòng tiền.
Xoài rớt giá thê thảm
Ông Huỳnh Văn Giàu, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn trái Quyết Tâm ở ấp 5, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cho biết, chi hội có 41 ha trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP gồm xoài Đài Loan và xoài cát Hòa Lộc.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá xoài năm nay bị giảm sâu. Bên cạnh đó, việc đưa xoài lên tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở Tp. Hồ Chí Minh cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát tại đây, từ đó kéo giá xoài xuống thấp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo ghi nhận, tuần trước, xoài cát Hòa Lộc được nhà vườn bán với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg nhưng có rất ít thương lái đến thu mua. Hai ngày trở lại đây, thương lái mua đã trở lại nhiều hơn nhưng giá vẫn ở mức thấp.
Ông Giàu cho biết, hiện nay Chi hội Quyết Tâm còn khoảng 7 tấn xoài. Mới đây, một siêu thị ở Cần Thơ cũng liên hệ đặt vấn đề thu mua nhưng nông dân không thể đáp ứng do xoài đã chín trên cây rất nhiều, không thể đợi thêm nữa.
“Bây giờ giá nào cũng phải bán vì mỗi một trái xoài rụng xuống, chúng tôi sẽ lỗ một ngàn đồng tiền bao trái”, ông Giàu nói.
Theo nhiều nông dân trồng xoài ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, năm ngoái giá xoài cát Hòa Lộc bình quân từ 20.000 đồng đến hơn 30.000 đồng/kg. Thời điểm hút hàng, giá mỗi kg xoài có lúc lên đến 100.000 đồng nhưng hiện giờ chỉ còn khoảng 10.000 đồng, mặc dù đã cuối vụ.
Riêng xoài Đài Loan hiện chỉ còn 2.000 đồng/kg trong khi năm ngoái là 16.000 đồng. Nhà vườn cho biết, giá thành sản xuất mỗi kg xoài Đài Loan là 3.000 đồng. Mỗi ha xoài này cho thu hoạch khoảng 8 tấn trái. Với giá xoài năm nay, nông dân nào chỉ trồng xoài Đài Loan sẽ chịu lỗ 1.000 đồng/kg, tương đương 8 triệu đồng/ha.
Một thương lái chuyên thu mua xoài cát Hòa Lộc ở khu vực An Giang, Cần Thơ cho biết, giá thu mua xoài cát Hòa Lộc ngày 1/7 là từ 8.000 – 13.000 đồng/kg (mua xô, không phân loại). Còn xoài Đài Loan hiện vựa chưa mua lại nên không có giá cụ thể.
Ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ cho biết, huyện hiện có hơn 4.100 ha cây ăn trái. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021 cũng là lúc nông dân Cờ Đỏ thu hoạch trái cây trong đó có xoài, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến giá trị sản phẩm, lợi nhuận của nhà vườn giảm đáng kể so với những năm trước.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, địa phương đã phối hợp với Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã và các hội, đoàn thể của thành phố tăng cường tìm kiếm doanh nghiệp cả trong và ngoài địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Bên cạnh đó, các hộ trồng xoài cũng tự tìm đầu mối để bán, nhờ đó cũng giúp khắc phục được phần nào trước tình trạng xoài rớt giá. Tuy nhiên, lợi nhuận của nông dân chắc chắn không bằng các năm trước đây.
Trứng vịt tăng giá "chóng mặt"
Cách đây khoảng hơn 1 tháng, giá trứng vịt xuống thấp kỷ lục, có thời điểm trứng vịt trắng chỉ còn 1.700 đồng/quả, trứng vịt lộn ế ẩm không bán được, người ấp trứng cũng bán tháo với giá 1.700-1.800 đồng/quả.
Khi giá trứng thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi thua lỗ nặng. Không ít hộ chăn nuôi đã phải bán bớt hoặc bán hết vịt để tránh bị thua lỗ thêm.
Đến nay, giá trứng bất ngờ tăng vọt, giá trứng vịt trắng lên đến 2.600 đồng/quả, còn trứng vịt lộn tăng lên 3.200 đồng/quả. Trước thực trạng này, nhiều người dân tỏ ra buồn lòng, rầu rĩ khi giá trứng vịt ngày một lên cao.
“Cách đây nửa tháng, tôi đã bán gần hết đàn vịt nhà mình vì thua lỗ nặng. Từ 1,8 nghìn con, tôi đã bán đi gần 1 nghìn con. Nay trong trang trại của mình chỉ còn khoảng 800 con vịt đẻ trong trang trại, trong đó có đến 1 nửa đàn tôi nhổ lông để chúng không thể đẻ. Vì thế, đợt này, giá trứng có tăng cao, nhà tôi mỗi ngày cũng không có nổi 400 trứng vịt để bán”, ông Kiên - trú tại Cương Chính (Tiên Lữ, Hưng Yên) chia sẻ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo ông, giá trứng lên cao ở mức này gia đình ông chăn nuôi vịt mới có lãi một ít. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy buồn và tiếc nuối vì đã bán đi cả nghìn con vịt đi thì giá trứng lại lên cao.
Ông cho biết ông định cầm cự đến cuối tháng 6, nếu giá trứng vịt không lên ông sẽ bán tiếp. Nhưng giá trứng giờ lên cao, ông cũng phấn khởi vì vẫn tiếp tục chăn nuôi, có thu nhập phục vụ cuộc sống. “Nếu giá thức ăn chăn nuôi còn tăng lên nữa, người chăn nuôi vẫn khó lòng mà có lãi được”, ông nói.
Không riêng gì ông Kiên, ông Hải - trú tại Tiên Lữ, Hưng Yên còn bán hết sạch đàn vịt nhà mình khi cuối tháng trước trứng vịt ế ẩm, giá thấp mà giá thức ăn chăn nuôi tăng theo từng ngày.
“Tháng trước, đàn vịt hơn 1000 con vịt nhà tôi vẫn đẻ đạt 80% nhưng cứ sáng mở mắt ra là lỗ mất 200.000 đồng. Tôi mới bán được mấy ngày thì giá trứng lại tăng vọt. Nghĩ mà chán, gia đình tôi chăn nuôi chẳng được đồng nào, lại còn lỗ mất cả chục triệu đồng từ đầu năm đến nay. Bán vịt đẻ, giá vịt lúc đó cũng thấp nên tính ra vẫn thua lỗ so với thời điểm tôi mua con giống”, ông chia sẻ.
Giờ bán đi hết, ông không muốn nuôi lại vì giá vịt giờ cũng tăng, mà ông cảm thấy nản không muốn đầu tư. “Tôi sợ giờ đầu tư vào, giá trứng lại xuống thấp, ế ẩm lần nữa thì tôi lại mất ăn mất ngủ. Chắc xong đợt này, tôi đợi dịch bệnh ổn định trở lại, tôi mới dám đầu tư vào chăn nuôi tiếp”, ông ngậm ngùi tâm sự.
Nói về lý do khiến giá trứng vịt thời gian gần đây tăng đột biến, ông Nguyễn Cường – người kinh doanh các loại trứng tại Tiên Lữ, Hưng Yên, lý giải do nguồn cung thiếu hụt khiến giá trứng bị đẩy lên cao.
“Tháng trước, giá trứng vịt xuống thấp lại ế ẩm không bán được, nhiều người chăn nuôi đã chọn cách bán tháo đàn vịt của gia đình, cũng có gia đình chọn cách nhổ lông để chúng không thể sinh sản được nữa, giảm lượng ăn để giảm bớt lỗ… Điều này khiến nguồn cung thiếu hụt trầm trọng, cầu vẫn vậy nên giá trứng đẩy lên cao”, ông nói.
Giá thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh tăng vọt
Sau quyết định chính thức về việc thực hiện giãn cách xã hội ở TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận trong sáng 8/7, rất đông người dân đổ xô đến các chợ và siêu thị trên địa bàn TP để mua lương thực, thực phẩm tích trữ, khiến nhiều mặt hàng bị đẩy giá lên gấp 3 lần so với những ngày trước đó.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Vội vàng đi mua hàng thực phẩm thiết yếu từ tờ mờ sáng, Chị Hoàng Ngọc Anh (quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết, hôm qua ra muộn không còn tí cá, thịt nào vì vậy chị rút kinh nghiệm sáng nay đi thật sớm, nhưng không ngờ đến chợ không khí mua bán đã tấp nập.
“Mới 5 giờ 30 sáng, mà rất nhiều quầy thịt bò, thịt heo hết hàng. Tranh thủ lắm tôi cũng mua được 5 kg thịt heo, hy vọng có thể cầm cự đến khi TP hết giãn cách” - chị Ngọc Anh nói.
Tương tự, chị Lê Thị Nhã Uyên (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, bình thường cách vài ngày mới chị mới đi siêu thị một lần để mua thực phẩm cho cả gia đình. Sáng nay ra đến chợ, chị tá hoả khi nhiều mặt hàng đã hết sạch dù chợ chỉ vừa mở được vài chục phút.
“Thịt, cá hết sạch từ sớm. Nhiều tiểu thương lợi dụng tăng giá nhưng tôi vẫn phải bấm bụng mua” - chị Uyên chia sẻ.
Nhiều khách hàng đi chợ trễ cũng cùng cảnh ngộ với chị Uyên khi không còn gì để lựa chọn. Nhiều người chấp nhận chen chúc tại một số quầy còn bán để mua số thịt, cá còn lại với giá đắt đỏ.
Theo ghi nhận, tại nhiều điểm bán lẻ xung quanh chợ ở TP Hồ Chí Minh như An Sương (quận 12) Xóm Chiếu (quận 4), Bùi Văn Ba, Tân Mỹ (quận 7)... lượng khách hàng đến mua sắm cũng đông so với những ngày trước.
“Sườn non, ba rọi rút xương lên mức 250.000 đồng/kg thay vì 170.000 như trước, nạc vai 180.000-200.000 đồng/kg; cá lóc tăng gấp đôi ngày thường lên 120.000 đồng/kg; tôm 250.000 đồng/kg; cá nục 140.000 đồng/kg...” - khách hàng Lê Thị Ngọc, phường Tân Hưng Thuận (quận 12) cho biết.
Lý giải cho việc tăng giá này, nhiều tiểu thương có cùng câu trả lời, do chợ đầu mối đóng cửa, hàng về khan hiếm, quá trình vận chuyển thịt, cá tươi sống trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Do đó, dù giá bị đẩy lên cao vẫn “cháy hàng”.
Khi nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP đóng cửa, cũng là lúc các xe bán rau, củ quả dạo cũng tranh thủ bán giá cao: “Vì là ngày cuối trước khi TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nên tôi tranh thủ lấy nhiều hàng, bán nốt hôm nay rồi nghỉ” - anh Nguyễn Văn Phong, người bán rau dạo trên đường Lý Thái Tổ (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Trước chợ Bình Tiên (quận 6, TP Hồ Chí Minh) đã đóng cửa, nhiều điểm bán lưu động của tiểu thương xuất hiện ven đường, người mua kẻ bán tấp nập, giá rau bị đẩy lên cao gấp 3-4 lần những ngày trước đó, nhưng người dân vẫn dành nhau mua.
Cô Nguyễn Thị Bích Vân (Phạm Văn Chí, quận 6) than thở: “tôi mua trái bí xanh nhỏ xíu 60.000 đồng, ký cải xanh cũng hét 80.000 đồng, trong khi ngày thường những loại này chỉ đáng giá vài đồng bạc” - cô Vân ngao ngán.
Cụ thể, giá rau cải xanh, cải ngọt hiện ở mức 30.000-40.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg so với thời điểm một tuần trước. Dưa leo lên 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; rau mùng tơi 35.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; xà lách 60.000 đồng/kg, bắp cải tăng vọt lên 40.000 đồng/kg, khổ qua 50.000 đồng/kg...
“Không chỉ giá rau bán lẻ tăng, mà giá bán sỉ cũng đã tăng từ chiều hôm qua (7/7). Trong đó, rau cải ngọt giá sỉ tăng lên 25.000-30.000 đồng/kg, cà rốt lên 20.000 đồng/kg trong khi vài ngày trước chỉ 10.000 đồng/kg” - anh Huỳnh Tấn Vũ, tiểu thương bán rau trước chợ Bình Tiên chia sẻ.
Hỏi giá từng loại rau một, rồi chọn loại rẻ nhất để mua, cô Nguyễn Thị Nhung (quận 4) cho biết, hôm nay tất cả các rau, củ, quả đều tăng giá mạnh.
“Biết là bị đẩy giá nhưng vẫn phải mua một ít để trong nhà, phải tự lo cho gia đình mình trong những ngày giãn cách sắp tới” – cô Nhung nói.
Một số tiểu thương hàng rau củ cho biết, rau xanh nhập tới đâu bán hết tới đó, nhưng họ chỉ dám nhập những hàng hoá có thể trữ lâu như củ, quả, còn mặt hàng rau lá nhập rất hạn chế.
"Với các loại rau lá như cải ngọt, mồng tơi, cải cúc... giá chợ lẻ rất cao, có mặt hàng tăng gấp đôi, gấp ba lần" - chị Như, tiểu thương bán ở khu vực chợ Đo Đạc (TP Thủ Đức) nói.