Giá vàng, xăng, dầu, rau xanh đồng loạt giảm mạnh; trong khi giá tôm càng xanh và cua tăng cao. Ảnh minh họa.
Giá vàng lao dốc
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.792 USD/ounce, tăng 1 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Chuyên gia nhận định, giá vàng tăng là do tình hình dịch bệnh đang gia tăng mạnh ở các nước châu Âu. Trong đó Đức có nguy cơ phải đóng cửa phòng chống đợt dịch lần thứ 5, vì 24 giờ qua có trên 76.000 ca mắc mới Covid-19.
Anh và một số nước châu Âu đã tuyên bố lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi, Namibia, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe và Botswana từ ngày 26/11 nhằm phòng ngừa sự lây lan của biến thể mới là B.1.1529. Theo WHO đây là biến thể có nhiều đột biến nhất trong số các biến thể đã được xác định và nhiều gấp đôi biến thể Delta, với 32 đột biến. Các nhà khoa học đang tìm hiểu xem biế thể B.1.1529 có dễ lây lan và gây chết người nhiều hơn các biến thể trước đó hay không.
Cũng tại châu Âu, trong đêm qua (giờ Hà Nội), thay vì ngày hội mua sắm của các tín đồ tiêu dùng hàng hóa thì dòng người lại tụ tập biểu tình tại các kho hàng của Amazon tại các thành phố Manchester, Newcastle và Bristol của Anh, cũng như tại các nước Đức và Hà Lan nhằm chỉ trích mạnh mẽ sự kiện mua sắm "Black Friday”. Black Friday là ngày mua sắm lớn nhất trong năm với nhiều sản phẩm ưu đãi giảm giá sâu, các nhà sản xuất và hãng bán lẻ đẩy mạnh doanh thu. Đây cũng là dịp được nhiều người tiêu dùng trông đợi nhất trong năm, bởi họ mua được những sản phẩm giá rẻ.
Tuy nhiên, những người biểu tình tại một số nước ở châu Âu cho rằng, đây chính là hành vi tiêu dùng quá mức, góp phần vào những tác động tiêu cực đối với môi trường. Hàng năm Amazon đã phát thải hàng chục triệu tấn CO2 ra môi trường.
Chuyên gia nhận định, dịch bệnh lây lan nhanh có thể khiến cho thế giới phải đối mặt với việc phong tỏa đợt thứ 5. Việc phong tỏa nhằm ngăn ngừa sự gia tăng của dịch bệnh, cùng với việc biểu tình ngày mua sắm Black Friday sẽ khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bị hạn chế. Do đó, giới đầu tư lo ngại kinh doanh bị đình trệ nên đã đẩy mua vào đề phòng rủi ro. Tuy nhiên, đến cuối phiên tại Mỹ và đầu phiên sáng nay tại thị trường châu Á giá vàng đã giảm về mức dưới 1.800 USD/oune.
Tuần qua, giá vàng thế giới đã lao dốc mạnh sau khi Mỹ đưa ra một loạt biện pháp hạ “nhiệt” lạm phát đó là mở cửa kho xăng dự trữ, đẩy nhanh việc cắt giảm khối lượng mua trái phiếu và dự kiến tăng lãi suất đồng USD sớm hơn so với trước đó là nửa năm.
Tuy cuối tuần giá vàng thế giới tăng nhưng tính chung cả tuần đã mất 54 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Tuần qua, giá vàng trong nước cũng đi theo xu hướng thế giới, giảm mạnh trong 3 phiên giữa tuần. Tuy nhiên, chiều qua (26/11) giá vàng đã bật tăng mạnh trở lại. Tính chung, một tuần giá vàng SJC biến động mạnh, bước giá điều chỉnh mỗi phiên lên đến hàng trăm nghìn đồng.
Kết tuần, giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 900.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Vàng SJC niêm yết tại Doji và tại Phú Quý tăng 1 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Chuyên gia nhận định, nếu các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh và gây chết người cao hơn thì giá vàng còn tăng mạnh cho đến khi thế giới tìm ra vaccine mới để ngăn ngừa chúng. Dự báo trong ngắn hạn vàng thế giới vượt mốc 1.817 USD/ounce thì sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, thị trường đang chờ đợi các báo cáo kinh tế của tháng 11. Nếu các báo cáo tăng tốt thì vàng sẽ không có cơ hội tăng mạnh.
Xăng dầu giảm giá
Tại kỳ điều chỉnh ngày 25/11, Liên Bộ Tài chính - Công Thương trích lập Quỹ Bình ổn giá với xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu diesel là 150 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng mỗi lít, dầu mazut là 500 đồng/kg. Đồng thời, mức chi Quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 là 300 đồng/lít, không trích lập với mặt hàng này.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá, liên Bộ Công thương- Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: Xăng E5RON92 giảm 752 đồng mỗi lít; Xăng RON 95 giảm 1.094 đồng/lít. Dầu diesel giảm 334 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 440 đồng/lít; Dầu mazut giảm 374 đồng/kg.
Theo đó: Xăng E5RON92: không cao hơn 22.917 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 23.902 đồng/lít. Dầu diesel không cao hơn 18.382 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 17.197 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 16.477 đồng/kg.
Như vậy, sau 5 lần tăng liên tiếp với tổng mức tăng khoảng 4.000 đồng/lít, giá xăng đã có đợt giảm với mức giảm sâu hơn 1.000 đồng/lít ít có từ trước đến nay.
Giá tôm, cua đồng loạt tăng
Chiều 23/11, giá tôm thẻ tại Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg. Cụ thể, loại 30 con/kg từ 164.000 đồng tăng lên 167.000 đồng, 50 con/kg giá 137.000 đồng, 100 con/kg giá 102.000 đồng... So với lúc cao điểm của dịch Covid-19, mỗi kg tôm đã tăng thêm 35.000-45.000 đồng.
Đối với tôm thẻ loại lớn, giá ổn định nhiều ngày qua. Trong đó, tôm 20 con/kg giá duy trì ở mức 240.000 đồng/kg; loại 25 con giá 180.000 đồng/kg.
Tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú (Sóc Trăng), các vựa thủy sản ven sông Hậu bán tôm càng xanh tươi sống loại nhất (6-7 con/kg) giá 300.000 đồng/kg; loại 13-14 con/kg giá 240.000 đồng.
Chủ vựa hải sản Đặng Ngọc Trinh cho biết những hôm khách đặt nhiều để đãi đám tiệc, chị "vèo" lại tôm tươi sống nên phụ thu thêm 20.000 đồng/kg. Đối với tôm càng xanh ướp đá, người tiêu dùng ít sử dụng vì thịt mất ngon nên giá rẻ.
Trước thông tin tôm càng xanh ở TP Hồ Chí Minh hiện được chào giá 110.000-150.000 đồng/kg, chủ một vựa tôm ở Bạc Liêu cho hay đây là tôm ướp đá nên mới có mức giá vậy. "Giá này vẫn bị coi là cao, bởi người miền Tây không thích ăn tôm ướp đá. Giá tôm càng xanh tươi sống nhiều tháng nay không giảm, chỉ tăng nhẹ”, chủ vựa này nói.
Anh Lê Văn Dũng, tư thương thu mua tôm tại xã Phước Long (huyện Phước Long, Bạc Liêu) cho biết không chỉ tôm thẻ, tôm càng xanh mà tôm sú cũng tăng giá. Theo anh Dũng, 2 tháng trước tôm sú 20 con/kg giá 230.000 đồng, nay đã tăng lên 250.000 đồng/kg.
“Tôm sú loại một kg 40 con giá tăng từ 160.000 lên 175.000 đồng/kg, loại 30 con từ 165.000 lên 180.000 đồng/kg. Còn cua gạch loại nhất, 3 con một kg giá 220.000 tăng lên 350.000 đồng/kg, cua thịt 180.000-200.000 đồng tăng lên 250.000-260.000 đồng/kg”, anh Dũng nói.
Trao đổi với Zing, ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận - “thủ phủ” tôm càng xanh của tỉnh Kiên Giang - với 25.000 ha nuôi. Hiện, tôm càng xanh đang cuối vụ, ít dần từ nay đến cuối năm nên giá tăng từ 60.000-80.000 đồng/kg lên 110.000-150.000 đồng/kg tùy loại và kích cỡ.
Theo ông Nguyên, sau vụ xen canh cây lúa vào cuối năm, đầu năm 2022 nông dân vùng này tiếp tục nuôi tôm. Bình quân mỗi ha tôm càng xanh cho năng suất khoảng 500 kg mỗi vụ. Những hộ nuôi 2 vụ tôm thu hoạch được 1 tấn/ha.
Hà Nội: Giá rau xanh giảm mạnh
Khảo sát một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Nam Trung Yên (Cầu Giấy), chợ Bông Đỏ (Hà Đông), chợ Phùng Khoang… giá rau xanh đã giảm mạnh so với hồi đầu tháng. Trong đó, các loại rau gia vị ghi nhận mức giảm mạnh nhất. Cụ thể, hành, mùi, xà lách, thì là… cách đây 3 tuần có giá 150.000 đồng/kg, nhưng nay giảm xuống chỉ còn 30.000 đồng/kg;
Còn các loại rau ăn lá, củ, quả khác cũng ghi nhận mức giảm mạnh từ 20 - 30%. Cụ thể, cải ngọt, cải mơ tuần trước có giá 25.000 đồng/kg thì nay còn 17.000 đồng/kg; rau muống, mồng tơi 15.000 đồng/mớ thì nay còn 10.000 đồng/mớ; đậu cove 25.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg); củ cải 15.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg), bắp cải 20.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg)…
Chị Hoàng Thị Hà, tiểu thương bán rau tại chợ Bông Đỏ (Hà Đông) cho biết, giá rau xanh đã bắt đầu giảm khoảng 2 tuần nay và nguồn hàng nhập ở các chợ đầu mối cũng khá dồi dào. Việc giá rau giảm đã kích cầu tiêu dùng hơn trước. Nhưng theo chị Hà, do trước đó giá rau xanh tăng quá cao nên hiện nay tuy có giảm 30% thì vẫn ở mức cao hơn so với mọi năm.
Chia sẻ về việc giá rau quay đầu giảm, anh Nguyễn Văn Hợi - hộ sản xuất rau tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho biết, trước đó giá rau tăng mạnh do thời tiết giao mùa, ảnh hưởng mưa bão nên nhiều diện tích bị hư hỏng. Nhưng hiện nay các loại rau vụ Đông (các loại họ nhà cải) đã bước vào thu hoạch rộ, nên sản lượng tăng, chất lượng đảm bảo. Theo anh Hợi, giá rau sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới, bởi thời điểm này diện tích rau vụ Đông ở các địa phương mới đang bước vào thu hoạch rộ.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Mạnh Phương, cây trồng chủ lực vụ Đông năm nay của Hà Nội chủ lực vẫn là các loại rau xanh. Hiện Hà Nội có hơn 13.000ha sản xuất rau các loại, trong đó có hơn 5.000ha được chứng nhận sản xuất an toàn. Tại các vùng rau an toàn đã được tập huấn, huấn luyện về kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho người dân, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng như che phủ ni lông, nhà lưới, nhà màng… nên năng suất và chất lượng sản phẩm sẽ tăng cao. Ông Nguyễn Mạnh Phương chia sẻ thêm, từ nay tới cuối năm, sản lượng rau của Hà Nội sẽ khá dồi dào, vì vậy tình trạng khan hàng, sốt giá sẽ không tái diễn.