Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ngày 14/2 (mùng 3 Tết Tân Sửu 2021), tại các địa phương đã có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng, quầy hàng tại chợ truyền thống mở hàng kinh doanh trở lại, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập hơn so với ngày mùng 2 Tết.
Ảnh minh họa.
Tại các chợ truyền thống, ngoài các mặt hàng hoa quả phục vụ cho việc dâng lễ đầu năm thì các mặt hàng được bày bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống (thủy hải sản, thịt bò, các loại rau củ) phục vụ nhu cầu tiêu dùng đầu năm của người dân.
Mùng 3 Tết Nguyên đán năm nay trùng với ngày lễ Valentine, nên nhiều cửa hàng hoa tươi đã mở bán, các sạp bán hoa di động cũng nhiều hơn so với ngày hôm trước.
Ghi nhận sáng mùng 3 Tết, tại một số chợ đầu mối như: chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên, chợ hoa Quảng An khá đông tiểu thương buôn bán, kinh doanh. Tuy nhiên, do chợ chưa chính thức mở cửa trở lại, nên các tiểu thương chủ yếu buôn bán phía ngoài cửa chợ.
Cụ thể, tại chợ hoa Quảng An, lượng hoa bán tại đây ít hơn khá nhiều so với ngày thường, số lượng người đi buôn hoa về bán lẻ lại cũng ít. Giá hoa tại chợ tương đương với thời điểm trước Tết. Hoa lay ơn trắng ở mức 100.000 - 180.000 đồng/chục, lay ơn màu có giá rẻ hơn và từ 60.000 - 100.000 đồng/chục; hoa cúc 100.000 - 110.000 đồng/bó 50 bông (giá bán buôn) và 40.000 - 50.000 đồng/ 10 bông (bán lẻ); hoa thược dược 50.000 đồng/bó (20 bông); hoa hồng dài có lộc 120.000 - 150.000 đồng/bó 50 bông (bán buôn), hoa hồng ngắn có giá rẻ hơn; hoa ly giá khá mềm, 100.000 đồng/bó 10 cành. Tại chợ hoa hàng lược, sáng sớm nay cũng ghi nhận tiểu thương kinh doanh và bán buôn.
Tại các chợ dân sinh như: Gốc Đề, Kim Liên, Phương Mai, Hoàng Mai… hoa tươi đắt khách. Giá hoa tươi cũng tương đương với mức giá trước Tết. Hoa hồng lộc 15.000 đồng/bông, trong khi hoa hồng loại thường giá 3.000 - 5.000 đồng/bông; hoa cúc 5.000 đồng/bông; hoa ly 100.000 đồng/bó 10 cành;…
Tại chợ Long Biên, sáng sớm nay số lượng người buôn bán kinh doanh trở lại cũng không nhiều. Chủ yếu là các mặt hàng rau xanh.
Còn tại chợ đầu mối phía Nam, do chợ chưa mở cửa, các tiểu thương chủ yếu kinh doanh ở phía ngoài cổng chợ. Tại đây, lượng người bán và mua khá sôi động. Giá rau xanh tại các chợ đầu mối phía Nam và chợ dân sinh cũng khá ngang nhau. Xu hào 10.000 đồng/3 củ, súp lơ 10.000 đồng/cây; cải thảo 8.000 - 10.000 đồng/kg; cải ngọt 15.000 đồng/kg; rau cần 10.000 đồng/bó, rau muống 15.000 đồng/bó; rau cải cúc 5.000 đồng/bó; bắp cải 7.000 - 10.000 đồng/kg; cà chua 8.000 đồng/kg.
Trái cây khá đắt và không được tươi, chủ yếu các tiểu thương bán hàng tồn từ trước Tết. Tại chợ đầu mối phía Nam, giá xoài xanh giống Đài Loan 40.000 đồng/kg; xoài cát chu 60.000 đồng/kg; dưa hấu 8.000 - 12.000 đồng/kg loại thường; dưa hấu không hạt 25.000 đồng/kg; cam lòng vàng 25.000 đ/kg, cam sành loại 1 20.000 - 35.000 đ/kg
Tại các chợ dân sinh, giá bán mặt hàng thực phẩm ổn định so với ngày mùng 2 Tết. Cụ thể, giá thịt lợn loại ngon (sườn non, ba chỉ, nạc vai đầu giòn) ở mức 170.000 - 200.000 đồng/kg; thịt loại 2 như sấn, nạc vai, thăn dao động ở mức 130.000 - 160.000 đồng/kg; giá thịt bò phổ biến từ 250.000 - 270.000 đồng/kg; giá gà trống (lông) 130.000 đồng/kg, gà mái (lông) 120.000 đồng/kg; giá giò lụa phổ biến 180.000 - 200.000 đ/kg; giò bò 300.000 - 320.000 đ/kg; giá cá quả 150.000 đồng/kg; tôm sú loại 1 (20 con/kg) giá 600.000 đồng/kg…
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong ngày 14/2, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.