Ngày cuối cùng của năm 2020 (âm lịch), sức mua giảm dần tại các chợ truyền thống, người dân hầu hết chỉ tập trung mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh và hoa, quả do các mặt hàng khác bởi đồ khô, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát… đã được mua sắm từ những ngày trước. Trong khi đó, sáng cùng ngày, tại các siêu thị, trung tâm thương mại người dân tập trung mua sắm đông đúc.
Các địa điểm bán hàng, cửa hàng tiện lợi vẫn mở đến chiều ngày 30 Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Cụ thể như hệ thống siêu thị Aeon mở cửa từ 8h sáng đến 20h và mở lại từ 12h đến 22h ngày mùng 1 Tết, Saigon Co.opmart mở cửa từ 6h sáng đến 12h trưa 30 Tết và mở lại từ mùng 2 Tết, hệ thống siêu thị VinMart mở cửa đến 12h ngày 30 Tết, hệ thống siêu thị Big C mở cửa đến 14h ngày 30 Tết, hệ thống Hapro và một số cửa hàng tiện lợi mở muộn tới tối ngày 30 Tết.
Ảnh minh họa.
Giá cả hàng hóa bình ổn, không khan hàng, tăng giá trong những ngày Tết là nhờ sự nỗ lực của Bộ Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp. Do đó, hàng hóa thời điểm này rất đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm dịp Tết của người tiêu dùng cả nước.
“Đến thời điểm hiện nay, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý đối với hầu hết các mặt hàng phục vụ Tết”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo đó, giá mặt hàng lương thực ổn định so với ngày 29 Tết như gạo tẻ thường dao động từ 13.500 - 13.800 đồng/kg; gạo tẻ chất lượng cao từ 18.000 - 36.000 đồng/kg; gạo nếp từ 25.000 - 35.000 đồng/kg.
Thị trường thực phẩm tươi sống vẫn tương đối sôi động trong ngày 30 Tết mặc dù nhu cầu mua sắm có giảm so với ngày 29 Tết. Giá hầu hết các mặt hàng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ so với ngày 29 Tết. Cụ thể, giá thịt lợn mông sấn ở mức 130.000-150.000 đồng/kg (miền Bắc), 130.000 - 140.000 đồng/kg (miền Nam), giá thịt lợn thăn 140.000 - 160.000 đồng/kg; thịt bò thăn loại I từ 290.000 - 330.000đ/kg; giá gà ta lông 100.000-120.000 đồng/kg; giá tôm sú (loại 26-30 con/kg): 400.000 - 500.000 đồng/kg.
Ngoài ra, với nguồn cung khá dồi dào, đa dạng nên giá các loại rau, củ ổn định: bắp cải dao động từ 7.000 - 12.000 đồng/kg, su hào: 3.000-6.000 đồng/củ, xà lách: 10.000 - 20.000 đồng/kg, cà chua 5 từ 5.000-15.000 đồng/kg (tùy địa phương), khoai tây: 15.000 - 25.000 đồng/kg, súp lơ: 5.000 - 15.000 đồng/cây,...
Giá một số loại trái cây ngon để trưng cúng trong dịp Tết như cam canh, quýt đường, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa... ổn định so với hôm qua.
Đáng lưu ý, các mặt hàng hoa, cây cảnh sức mua có xu hướng giảm dần (khoảng 10-15%) so với ngày 29 Tết vì phần lớn người tiêu dùng đã mua trước đó. Giá một số loại hoa cũng giảm so với ngày 29 Tết, giá một số loại hoa ly từ 280.000 - 320.000 đồng/chục cành; lay-ơn từ 70.000 - 110.000 đồng/chục; cúc đại đóa khoảng 30.000 - 50.000 đồng/chục; hoa hồng 50.000 - 60.000 đồng/chục (loại hồng có cành lộc giá cao hơn và ở mức khoảng 80.000 - 100.000 đồng/chục).
Mặt hàng nông sản khô ổn định so với ngày 29 Tết, cụ thể miến dong dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg, giá nấm hương hiện phổ biến ở mức 350.000 - 400.000 đồng/kg; mộc nhĩ: 150.000 - 200.000 đồng/kg; đỗ xanh 42.000 - 50.000 đồng/kg; măng khô: 200.000 - 280.000 đồng/kg,…
Bộ Công Thương dự báo, trong ngày mùng 1 và mùng 2 Tết người dân chủ yếu vui xuân, chơi Tết hoặc hạn chế ra đường do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, do vậy thị trường hàng hóa chưa sôi động lại. Đồng thời, trong các ngày đầu năm mới, nhiều cơ sở kinh doanh nghỉ Tết và phần lớn người tiêu dùng đã mua hàng dự trữ từ những ngày trước đó nên dự báo hàng hóa không có biến động bất thường.
Trong ngày 10/2, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; chưa phát hiện việc buôn bán, sử dụng pháo nổ các loại.