Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, năm 2020, cơ cấu về các phân khúc nhà ở tại thị trường TP Hồ Chí Minh tiếp tục cho thấy có sự chênh lệch lớn. Tỷ lệ nhà ở cao cấp trên thị trường chiếm trên 50%, nhưng nhà ở giá thấp, giá phải chăng chỉ chiếm rất ít. Đây là con số cho thấy sự phát triển chưa bền vững. BĐS cao cấp có thể giúp doanh nghiệp xây dựng nhanh thương hiệu và uy tín nhưng không phục vụ nhu cầu của số đông người dân.
Cùng với đó, điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết, bởi các doanh nghiệp đều mong muốn môi trường kinh doanh đạt được sự công bằng, minh bạc, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh.
“Từ năm 2018, thị trường mới chứng kiến sự thiếu giảm nguồn cung, quy mô thị trường bị thu hẹp lại, thiếu nguồn cung ra thị trường. Theo quy luật cạnh tranh, cầu nhiều cung thiếu thì giá sẽ tăng” - ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.
Thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh có hiện tượng đầu tư ảo - Ảnh minh họa
Lực cầu của thị trường BĐS tăng mạnh do sự chuyển dịch đầu tư từ các ngành kinh tế khác sang. Hiện lực cầu tại TP Hồ Chí Minh đang dồn phần lớn về khu vực thành lập TP Thủ Đức như quận 9, quận 2, quận Thủ Đức và lan tỏa sang cả khu vực Miền Đông Nam Bộ. Làn sóng cầu này hấp thụ rất nhanh những BĐS có giá tốt ở các phân khúc đất nền, căn hộ trung cấp, căn hộ cao cấp có diện tích nhỏ. Những ở căn hộ cao cấp có giá trị cao trên 70 triệu đồng/m2 thì hấp thụ yếu hơn.Theo Phó Tổng Thư ký hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, Covid-19 dường như không làm ảnh hưởng đến đến việc đầu tư, giao dịch BĐS TP Hồ Chí Minh. Trong cơ cấu nguồn cung chào bán ra thị trường, căn hộ giá thấp không còn xuất hiện, nhiều dự án thuộc phân khúc bình dân trước đó đều bị đẩy giá tương đương phân khúc trung – cao cấp.
Trong khoảng thời gian rất ngắn, mặt bằng giá mới tại TP Hồ Chí Minh đã được thiết lập. Các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân trung cấp, dự án thuộc phân khúc trung cấp biến thành cao cấp... Đáng nói ở đây, sự thay đổi phân khúc là vì tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng của dự án cho phù hợp. Điều này là bất thường khi không phản ánh đúng giá trị của BĐS, rất dễ xảy ra bong bóng. Một thị trường như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển không bền vững, gây nên những bất ổn về kinh tế, tài chính...
“Đánh giá sơ bộ về lực cầu ngoài ngành chuyển hướng vào thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh đang chiếm tỷ trọng khá lớn, ước đạt 30 - 40% tổng cầu đầu tư thị trường BĐS của TP này. Tuy nhiên, cầu này là ngắn hạn chỉ tham gia với mục đích sinh lời nhanh rồi rút vốn. Đó chính là tính ảo của thị trường BĐS” - ông Nguyễn Văn Đính cho hay.