Mới đây, Microsoft đã tung ra một bản vá lỗi bảo mật trên các phiên bản hệ điều hành Windows 10 của họ. Lỗi bảo mật này đã được phát hiện vào ngày 13 tháng 1 vừa qua và nó được đánh giá là một lỗi rất nghiêm trọng. NSA (Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ) là cơ quan đã phát hiện ra lỗ hổng bảo mất này. Được biết, các hacker có thể lợi dụng lỗ hổng này để cài những phần mềm độc hại vào máy tính người dùng nhằm ăn cắp thông tin và chiếm quyền kiểm soát.
Ngay sau đó Microsoft đã có bản vá bảo mật, phát hành cho Windows 10, Windows Server 2016 và Windows Server 2019, anh em có thể cập nhật OTA thông qua Windows Update. Lỗ hổng này được Microsoft đánh giá là nghiêm trọng, các hacker có thể lợi dụng nó để tạo chữ ký số giả mạo, nhằm vượt qua phương thức xác thực của Microsoft, để cài các phần mềm độc hại lên máy tính của nạn nhân.
Theo Microsoft, hãng chưa phát hiện ra bằng chứng nào cho thấy hacker đã khai thác lỗ hổng này. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia bảo mật, lỗ bảo mật này sẽ không nguy hiểm nếu được vá kịp thời nhưng nó có thể sẽ trở thành một thảm họa nếu người dùng không cập nhật bản vá. Vì vậy, mọi người dùng Windows 10 nên cài đặt bản cập nhật mới ngay.
Theo bà Anne Neuberger, giám đốc An ninh mạng của NSA, đây là lần đầu tiên NSA tiết lộ lỗ hổng với Microsoft. Trong quá khứ, NSA thường giữ bí mật về các lỗ hổng lớn.