Tiền hôn nhân là giai đoạn từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản đến khi kết hôn, bao gồm cả trẻ vị thành niên khi đã bắt đầu có khả năng sinh sản, cho đến những người lớn tuổi hơn (thậm chí 30 - 40 tuổi) mà chưa từng kết hôn. Đây là những đối tượng cần được quan tâm đến những vấn đề thuộc nội dung chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân.
Các cặp đôi nên khám sức khỏe trước khi kết hôn. Nguồn ảnh: Internet
Thực tế hiện nay, các cặp đôi thường chỉ bắt đầu đi khám sức khỏe tiền hôn nhân khi chuẩn bị kết hôn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể đi khám sớm hơn để sàng lọc các vấn đề sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, tốt nhất nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu là 3 - 6 tháng trước khi kết hôn để có nhiều thời gian chuẩn bị hơn.
Khi nào nên khám sức khỏe tiền hôn nhân?
BSCK Sản phụ khoa Đặng Văn Hà (Hà Nội) chia sẻ, khám sức khỏe tiền hôn nhân cùng với sự tư vấn của bác sĩ sẽ giúp các cặp đôi chuẩn bị kiến thức, tâm lý trước khi bước vào đời sống vợ chồng.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp chúng ta phát hiện ra những bệnh tật có thể ảnh hưởng tới đời sống tình dục, việc mang thai và sinh đẻ. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nên được thực hiện trước khi kết hôn tối thiểu 3-6 tháng.
Đặc biệt, khám sức khỏe tiền hôn nhân là sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình mang thai, sinh nở của người phụ nữ và giúp phụ nữ sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Một vai trò quan trọng khác của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là giúp phát hiện và điều trị các bệnh lý truyền nhiễm lây qua đường tình dục như HIV, viêm gan A, viêm gan B, giang mai…
Cùng với đó, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn giúp phát hiện những bất thường về nhiễm sắc thể và di truyền, từ đó có thể xử trí kịp thời nếu có nguy cơ di truyền ảnh hưởng tới con, đặc biệt là bệnh Thelassemia (tan máu bẩm sinh).
Ngoài ra, nhiều cặp vợ chồng tiềm ẩn nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, nhờ khám sức khỏe tiền hôn nhân mà có biện pháp điều trị kịp thời, phát hiện sớm, giúp tăng khả năng điều trị khỏi bệnh.
BSCK Đặng Văn Hà nhấn mạnh, với tầm quan trọng như vậy thì việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nên được các cặp đôi quan tâm. Theo BS Hà, khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ là việc thể hiện sự quan tâm tới sức khỏe bản thân mà còn thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm với hôn nhân và bạn đời, trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Đặc biệt, nên chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân để có thể đảm bảo nhất.
Khám sức khỏe tiền hôn bao gồm khám những gì?
Kiểm tra sức khoẻ trước khi kết hôn có bao gồm một số hạng mục, cơ bản gồm: khám sức khỏe tổng quát và khám sức khỏe sinh sản.
Khám sức khỏe tổng quát
Sẽ không giống như nhiều người từng nghĩ, khám sức khoẻ trước khi kết hôn chỉ là kiểm tra sức khoẻ sinh sản. Nhưng trên thực tế, khám sức khỏe tiền hôn nhân thường bao gồm cả khám sức khỏe tổng quát.
Bởi vì, nếu như bạn gặp phải bất cứ bệnh lý nào của cơ thể thì cũng đều ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản của chính mình. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất ở người phụ nữ nếu mắc bất cứ bệnh lý nào việc mang thai đều trở nên khó khăn và vất vả hơn, có thể sức khỏe thai kỳ khó được đảm bảo và việc mang thai cũng trở nên khó khăn hơn.
Vậy, khám sức khỏe tổng quát thường được áp dụng như thế nào?
BSCK Đặng Văn Hà khám sức khỏe cho bệnh nhân. Nguồn ảnh: BVAV
- Khám lâm sàng: Một số kiểm tra sức khỏe tổng quát thường được áp dụng là: kiểm tra huyết áp, chiều cao, cân nặng, thực hiện các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm, chụp X - quang,...
- Khám bệnh lây truyền qua đường tình dục: một số bệnh lây truyền được kiểm tra trước khi khám sức khỏe tiền hôn nhân đó là lậu, giang mai, viêm gan B, HIV, nấm, sùi mào gà,...
- Bệnh truyền nhiễm: kiểm tra bệnh sử các bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi, thuỷ đậu, sốt xuất huyết, viêm não, bệnh cúm, bệnh lao, tiểu đường, tăng huyết áp, thận, tim,...
Thông qua quá trình khám, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của gia đình, người thân trong gia đình mắc những bệnh lý gì, gia đình có tiền sử mắc bệnh di truyền nào không,...?
Đồng thời, bác sĩ sẽ xem xét lại lịch sử bệnh lý của cả 2 vợ chồng đó là: những bệnh lý đa mắc trước đây, từng thực hiện những phẫu thuật nào, có mắc bệnh truyền nhiễm hay không, môi trường làm việc có ô nhiễm và chứa hoá chất độc hại,... hoặc gặp bất kỳ tai nạn, thương tích nào trước đây.