Thứ 6, 04/10/2024, 09:25 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Thuốc Trung Quốc làm từ 'thịt người' tiềm ẩn nhiều rủi do

Thuốc Trung Quốc làm từ 'thịt người' tiềm ẩn nhiều rủi do
(Tieudung.vn) - Vụ việc thuốc 'thịt người' được sản xuất từ Trung Quốc đang khiến nhiều người ghê sợ.

Cảnh báo của Cơ quan tình báo Nigeria xuất phát từ thông tin Hàn Quốc (HQ) trước đó thu giữ hàng ngàn viên thuốc thịt người từ TQ nhập lậu vào. Yonhap dẫn từ cơ quan hải quan HQ thì trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến tháng 8 năm nay, cơ quan này đã thu giữ tổng cộng 2.751 viên thuốc thịt người buôn lậu vào nước này từ TQ. Theo những gì cơ quan hải quan HQ thông tin với AP thì các viên thuốc này được sản xuất từ Đông Bắc TQ, cụ thể từ TP Diên Cát (tỉnh Cát Lâm), TP Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông), TP Thiên Tân trực thuộc trung ương.

thuốc thịt người
Viên thuốc dạng con nhộng chứa bột thịt người được cơ quan hải quan Hàn Quốc tịch thu ở TP Daejeon.

Các viên thuốc được sản xuất theo dạng con nhộng, thành phần chính là bột bào thai, bột thịt trẻ sơ sinh đã chết, được một số công dân TQ nhập vào. Nguyên liệu chính trong viên thuốc là thịt người sấy khô nhưng chúng sẽ được trộn với thảo dược như một cách qua mắt các nhà điều tra và nhân viên hải quan. Thuốc được buôn lậu bằng đường xách tay hoặc qua đường thư tín quốc tế.

Thuốc được quảng bá có thể giúp tăng miễn dịch, giúp trẻ hóa, chữa ung thư, tiểu đường và một số bệnh giai đoạn cuối. Tuy nhiên, cơ quan hải quan HQ cho biết Bộ An toàn và dược phẩm nước này đã xác định có tới 18,7 tỉ virus trong viên thuốc, trong đó có cả virus gây viêm gan B, ngoài ra còn nhiều thành phần nguy hiểm khác.

Đây không phải lần đầu HQ thu giữ thuốc thịt người TQ. Từ tháng 8-2011 đến tháng 5-2012, hải quan HQ đã chặn 35 vụ buôn lậu và thu giữ hơn 17.500 viên thuốc thịt người. Thời điểm này SBS (HQ) có làm một bộ phim tài liệu về chủ đề này. SBS cho biết xét nghiệm ADN cho thấy tới 99,7% thành phần các viên thuốc này là thịt người, thậm chí còn có thể cho biết của bào thai được sử dụng trong viên thuốc.

Trung Quốc đã giải thích như thế nào về “viên nang thịt người”?

Ngày 8 tháng 5 năm 2012, phát ngôn viên Bộ Y tế Đặng Hải Hoa đã trả lời các câu hỏi của báo chí quốc tế, theo đó Trung Quốc đã chỉ đạo điều tra cẩn thận và không có “viên nang thịt người”.

Cũng theo ông Đặng Hải Hoa, ngay sau khi có thông tin vụ việc “viên nang thịt người”, Bộ Y tế Trung Quốc đã chỉ đạo văn phòng y tế các tỉnh ngay lập tức tiến hành điều tra. Trung Quốc khẳng định, Bộ Y tế đã ban hành các quy định nghiêm ngặt về rác thải y tế, quy trình xử lí các bộ phận của thai nhi, nghiêm cấm xâm phạm xác chết và hài cốt thai nhi; nhân viên y tế phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và bảo vệ phẩm giá cuộc sống.

Vậy bản chất của câu chuyện “viên nang thịt người” là gì?

Theo truyền thông Trung Quốc, cái được gọi là “viên nang thịt người” không được làm từ “thịt người” mà làm từ nhau thai.

Nhau thai trong y học Trung Quốc được gọi là tử hà sa, có vị mặn, ngọt, nóng; bổ dương, tốt cho tim, gan, phổi, thận. Những phụ nữ khỏe mạnh, khi sinh các bà đỡ sẽ lấy bánh nhau tươi, cắt bỏ dây rốn và bóc màng ối, rửa sạch máu, có thể hoặc hấp rồi sấy khô làm thuốc.

Nhau thai được sử dụng cho những phụ nữ quá sản tử cung, teo tử cung, viêm tử cung, không có kinh nguyệt, rong kinh, thiếu sữa, lao, hen suyễn, cổ trướng, đặc biệt là cơ thể suy kiệt.

Đàn ông thận yếu, thiếu máu, vô sinh, bất lực, ù tai, đau lưng, thở ngắn, chán ăn, , suy kiệt cũng có thể dùng.

Nếu nhìn theo góc độ y học hiện đại, trong nhau thai có nhiều protein, carbonhydrat, muối khoáng, vitamin, các yếu tố miễn dịch. Đặc biệt, nhau thai có khá nhiều hormone, đặc biệt là nội tiết tố nữ, progesterone, steroid, gonandotropins, hormone vỏ thượng thận.

Vì thế mà trong chừng mực nào đó nhau thai có tác dụng với sức khỏe.

Những năm 2000 trở lại trước, nhau thai được sử dụng để chưng cất thuốc bổ gọi là Filatop, nhưng hiện nay do điều kiện kinh tế và đã tốt, nên không còn sản xuất Filatop từ nhau thai nữa. Thời kì bao cấp, rất nhiều người đã từng ăn nhau , thậm chí các y bác sĩ cũng ăn.

Hiện nay, y học đã phát triển cùng với đời sống đảm bảo bổ sung đủ dưỡng chất và thuốc, các bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng nhau thai để tránh lây nhiễm bệnh. Tuy vậy, nhau thai vẫn vô cùng phong phú, người dân dễ dàng tìm mua những túi sản phẩm nhau thai sấy khô được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc đang bán nhiều nơi tại Hà Nội và Sài Gòn.

Nhưng nói đến thuốc Trung Quốc làm từ thịt người thì ai cũng hoảng sợ!

Dùng nhau thai (hay gọi là tử hà sa)người hoặc sản phẩm chế biến từ nhau thai có an toàn hay có thể gặp phải những rủi ro gì?

Tử hà sa bán trên thị trường không có nguồn gốc rõ ràng có nguy cơ rất lớn là mang mầm bệnh. Bởi vì, nhau thai nằm trong một cơ thể sống, mà bất cứ cơ thể sống nào là người cũng có thể nhiễm các bệnh truyền nhiễm do siêu vi, vi khuẩn, ký sinh trùng…

Nếu nhau thai không được kiểm tra, chế biến trong điều kiện vô trùng đều có nguy cơ chứa mầm bệnh trong chính nhau thai. Việc dùng nhau thai người, vì vậy, rất nguy hiểm vì có thể bị lây nhiễm các bệnh gây khủng hoảng toàn cầu như HIV, viêm gan b và C...

Theo quy định của Bộ Y tế, nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm cần đưa đi tiêu hủy. Theo một số thầy thuốc Đông y, có khi nhu cầu sử dụng tử hà sa của thầy thuốc Đông y là có thật, tuy nhiên, họ không dám dùng vì bệnh viêm gan siêu vi và HIV ngày càng tăng, mà chế phẩm bán trôi nổi hiện nay lại không rõ nguồn gốc, không đảm bảo cho sức khỏe người .

Ngoài bị các bệnh truyền nhiễm do mầm bệnh chứa trong nhau thai, người dùng tử hà sa còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh khác do vấn đề bảo quản (nhau thai là môi trường rất tốt phát triển các mầm bệnh lây qua đường tiêu hóa) như tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng…

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng nhau thai. Vì vậy, việc mua bán nhau thai cần xem là không hợp pháp. Người tiêu dùng cần nhận thức rằng, dùng nhau thai làm thuốc như điều kiện hiện nay là không an toàn, tìm cách dùng sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Thực chất nhau thai không có công dụng như lời đồn và hiện nay đã có nhiều thuốc thay thế cho tác dụng hiệu quả và an toàn hơn nhiều.

Tags:
4.1 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.93771 sec| 813.781 kb