Sử dụng nghệ sao cho an toàn? Ảnh minh họa
Suy đa tạng vì dùng nghệ bồi bổ máu
Chị Ngô Thị Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, nhiều người cho rằng nghệ lành và tốt cho sức khỏe, nhưng với chị thì không. Cách đây một năm, chị chỉ lấy đầu tăm chấm vào nghệ rồi bôi lên một vết bỏng nhỏ, sau đó bị phồng rộp lên, toàn bộ chân lở loét, chảy mủ rồi khô lại từng mảng.
Còn chị Đỗ Thị Minh (Ba Đình, Hà Nội) sau khi sinh con, được mẹ cho ăn nghệ để bổ máu, phục hồi sức khỏe. Không những thế, chị còn dùng nghệ xoa người để tránh rạn da. Nào ngờ phải đi cấp cứu vì khó thở, nổi mề đay, hạ huyết áp…
TS Nguyễn Hữu Sáu – Bệnh viện (BV) Da liễu quốc gia cho biết, ông đã từng gặp nhiều bệnh nhân bị dị ứng, nhiễm trùng và sẹo lồi khi dùng nghệ tươi và một vài chế phẩm được tinh chế từ nghệ vào vết thương. Đặc biệt có những người có phản ứng mạnh còn bị khó thở, nổi mề đay, lở loét toàn thân, thậm chí suy đa phủ tạng, nguy hiểm tới tính mạng vì cơ địa dị ứng với nghệ.
Theo các chuyên gia Đông y, nghệ vàng có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, có hoạt tính chống viêm cấp tính và mãn tính. Nghệ chống loét dạ dày và loạn tiêu hóa do có chứa Curcumine giúp dự phòng và cải thiện những thương tổn ở dạ dày. Bên cạnh đó, nghệ còn có tác dụng kháng khuẩn, kích thích tái tạo các tổ chức bị tổn thương và liền sẹo… Nhưng cũng có nhiều người lại dị ứng với nghệ, rất có thể loại nghệ đó được trồng ở vùng đất có những chất dễ gây ra dị ứng, củ nghệ hấp thu những chất lạ gây dị ứng cho người sử dụng. Bên cạnh đó, cơ địa một số người dễ phản ứng với các thành phần chứa trong củ nghệ mà cho đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được điều này.
Thận trọng khi sử dụng
Bác sĩ Yên Lâm Phúc - Học viện Quân y 103 cho biết, nghệ là một thứ củ gia vị dùng quen thuộc theo văn hóa ẩm thực của người Việt, đồng thời còn là một vị thuốc tốt. Trong nghệ có hoạt chất sinh học curcumin, là chất có khả năng chống dị ứng và chống oxy hóa mạnh, nhưng một số người lại bị dị ứng với nghệ, bởi trong nghệ có chứa một số axit béo thực vật.
Các axit béo này nằm trong tinh dầu nghệ nên có khả năng gây ra dị ứng mạnh. Trong 100g nghệ chứa 9,8g chất béo dạng này. Thêm vào đó, một số phân tử protein nhỏ trong nghệ cũng dễ dàng thẩm thấu qua thành ruột và da gây ra phản ứng dị ứng, trong 100g nghệ có khoảng 7,8g chất protein dạng này. Người bị dị ứng với nghệ chính là dị ứng với hai chất đó chứ không phải dị ứng với curcumin.
Vì thế, bác sĩ Phúc khuyên, không nên dùng nghệ nếu trường hợp có cơ địa da nhạy cảm, dễ ngứa và loét, cơ địa dị ứng với chất béo cũng không nên dùng nghệ. Còn bác sĩ Hoàng Xuân Đại – chuyên gia Bộ Y tế cho biết, dù nghệ rất tốt, có thể trị liệu được nhiều bệnh như khử trùng vết thương, vết bỏng, làm đẹp da, hỗ trợ điều trị dạ dày, hen suyễn, trị rối loạn đường ruột, nhưng không nên lạm dụng nghệ. Dùng nghệ phải có liều lượng, chỉ nên dùng từ 300 – 500g/ngày, tốt nhất là sử dụng nghệ nén hoặc nghệ viên, trước khi dùng nên có sự tư vấn của bác sĩ.
Muốn biết mình có dị ứng với nghệ hay không, chỉ cần chà xát một lớp dịch nghệ tươi lên da, sau đó quan sát trong vòng 24 giờ. Nếu không có hiện tượng ngứa da, nổi mẩn hoặc phản ứng đỏ da thì bạn có thể yên tâm dùng nghệ hàng ngày. Bác sĩ Yên Lâm Phúc |