Cảm thấy kiệt sức khi thức dậy
Khi mọi người gặp vấn đề với gan, họ rất dễ bị mệt mỏi, và loại mệt mỏi này không thể giải quyết bằng giấc ngủ.
Sau một đêm ngủ, hầu hết mọi người đều cảm thấy sảng khoái và tràn đầy năng lượng vào buổi sáng. Trong khi đó, nếu chức năng gan không tốt, các tế bào gan sẽ bị tổn thương. Lúc này, cholinesterase sẽ giảm.
Cholinesterase chủ yếu liên quan đến chức năng bình thường của hệ thần kinh. Một khi chất này bị giảm, nó sẽ xuất hiện tình trạng mệt mỏi và uể oải, thiếu năng lượng.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Khô, đắng miệng và hơi thở hôi
Cảm giác khô miệng khi thức dậy vào buổi sáng là điều bình thường do cơ thể bị mất nước sau một đêm dài. Tuy nhiên, đôi khi đó có thể là dấu hiệu gan đang gặp trục trặc. Nguyên nhân là khi gan suy yếu, quá trình chuyển hóa mật bị ảnh hưởng, mật có thể bị trào ngược lên dạ dày và thực quản, gây ra cảm giác đắng miệng. Ngoài ra, chức năng gan kém cũng làm giảm khả năng sản xuất nước bọt, dẫn đến khô miệng. Gan chứa độc tố cũng tạo ra mùi được mô tả là "mốc, hăng và ngọt kỳ lạ" - thậm chí đôi khi giống mùi phân.
Da vàng
Gan là cơ quan chính của cơ thể xử lý bilirubin (sắc tố màu vàng, được sinh ra trong quá trình thoái giáng các tế bào hồng cầu, bài tiết trong dịch mật). Khi không thể chuyển hóa hiệu quả các chất này, bilirubin sẽ tích tụ trong máu, gây ra dấu hiệu vàng da. Trạng thái này có thể hiện rõ nhất vào buổi sáng nên bạn cần chú ý.
Chảy máu nướu răng
Nếu gan bị bệnh, chức năng sản xuất các yếu tố đông máu của gan sẽ giảm đi. Điều này có thể gây chảy máu nướu răng khi bạn đánh răng rửa mặt vào buổi sáng. Triệu chứng này đặc biệt phổ biến ở những người bị viêm gan mãn tính.
Bị đau và khô mắt
Sức khỏe của mắt và gan có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Gan có nhiệm vụ lưu trữ và điều hòa máu trong cơ thể, vì thế, khi nó hoạt động kém, mắt có thể bị ảnh hưởng lớn. Khi chức năng gan bị suy giảm đáng kể, mắt cũng phát ra tín hiệu, bị khô và đau mắt hoặc tăng tiết dịch, đặc biệt rõ rệt sau khi thức dậy vào buổi sáng.
Chướng, đau bụng
Nếu bụng đột nhiên phình to, căng tức và khó giảm, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn chứng đầy hơi thông thường. Áp lực tăng lên trong các mạch máu xung quanh gan có thể gây tích tụ dịch trong khoang bụng, dẫn đến tình trạng chướng bụng kéo dài. Ngoài biểu hiện này, gan gặp vấn đề còn có thể gây đau ở vùng bụng trên hoặc hạ sườn phải - vị trí của gan trong cơ thể. Vì vậy, nếu vào buổi sáng, bạn thấy đau ở vùng bụng trên bên phải, hãy cảnh giác. Nếu triệu chứng đi kèm với mệt mỏi, vàng da hoặc buồn nôn, nguy cơ tổn thương gan càng cao.
Buồn nôn, chán ăn
Gan không chỉ đóng vai trò lọc độc tố mà còn tiết dịch mật để hỗ trợ tiêu hóa. Khi gan bị tổn thương hoặc nhiễm độc, quá trình sản xuất dịch mật bị gián đoạn, khiến việc tiêu hóa thức ăn trở nên khó khăn. Dịch mật do tế bào gan sản xuất giúp tiêu hóa chất béo khi chúng ta ăn. Khi lượng dịch mật không đủ, chất béo không được tiêu hóa hết gây ra buồn nôn và chán ăn. Sự tích tụ độc tố trong cơ thể làm tăng gánh nặng lên gan, dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài, chán ăn hoặc ăn không ngon. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, cảm giác nặng bụng sau khi ăn.
Nước tiểu có màu sẫm, đại tiện có màu trắng
Nước tiểu sẫm màu có thể là do uống không đủ nước mỗi ngày nhất là thời tiết nắng nóng như hiện nay khiến tình trạng ra mồ hồi nhiều, thiếu nước. Hoặc cũng có thể do đang sử dụng một loại thuốc nào đó khiến tình trạng nước tiểu sẫm màu. Tuy nhiên, nếu màu nước tiểu đậm hơn nhiều so với bình thường hoặc có thêm triệu chứng khác kèm theo như: đại tiện phân có màu trắng, thì rất có thể là dấu hiệu của bệnh gan.
5 thói quen hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến gan, ai cũng nên tránh
Thức khuya
Thức khuya dậy sớm, thiếu ngủ trầm trọng rất hại cho gan. Theo lý luận về kinh mạch của đông y, khoảng thời gian từ 11 giờ đến 2 giờ sáng là lúc khí huyết kinh Can mạnh nhất, là thời gian gan bài độc mạnh mẽ. Để đạt được hiệu quả tốt nhất thì cơ thể phải ở trong trạng thái ngủ say. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ khiến gan không chịu nổi gánh nặng quá lớn, dễ phát bệnh về gan.
Chế độ ăn nhiều dầu mỡ
Nhiều người nghĩ rằng thực phẩm có hàm lượng dầu cao sẽ cung cấp cho cơ thể lượng dinh dưỡng dồi dào và nhiều năng lượng hơn, tuy nhiên thực phẩm quá nhiều dầu mỡ sẽ tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa và quá trình trao đổi chất. Nếu tiêu thụ quá nhiều thực phẩm trong thời gian dài, tỷ lệ mắc các bệnh về đường tiêu hóa và gan mật sẽ tăng lên đáng kể.
Dùng nhiều thuốc và thực phẩm chức năng
Việc tự uống thuốc mà không theo sự chỉ định của bác sĩ, uống thuốc không đủ liều hoặc quá liều sẽ tạo nên chất độc cho gan và vô cùng nhiều hệ lụy khác. Vì thế, bạn nên bỏ dần thói quen tự mua thuốc mà hãy đến gặp các bác sĩ để được kê đơn chuẩn xác đồng thời kiểm tra sức khỏe kịp thời.
Đồ ăn nhiễm mốc, giun sán
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, những mốc bám trên thực phẩm quá hạn chứa aflatoxin, đây được coi là chất gây ung thư loại 1 và ảnh hưởng mạnh mẽ tới gan. Ngoài ra, những thực phẩm không được chế biến sạch sẽ, nguy cơ gan nhiễm giun, sán là rất cao. Vì vậy đây là 2 nhóm thực phẩm mà gan sợ nhất, cần tuyệt đối tránh để phòng ngộ độc cho gan.
Bia rượu
Như chúng ta đã biết, gan phải hoạt động quá sức khi cơ thể bạn tiêu thụ một lượng lớn rượu bia. Rượu bia và chất có cồn sẽ tạo nên sự tích tụ ethanol trong cơ thể có thể gây tổn thương gan, gây viêm, gan nhiễm mỡ, xơ gan do rượu và thậm chí là ung thư gan.
Cách bảo vệ gan luôn khỏe mạnh
Tập thể dục, tăng cường sức khỏe, kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Khám và kiểm tra định kỳ đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ (nhiễm viêm gan siêu vi B, C, uống nhiều rượu bia, gia đình có người mắc bệnh gan, béo phì).
Chế độ dinh dưỡng phù hợp: ít béo, tránh dư thừa chất đạm, chất ngọt, không nên ăn quá nhiều thức ăn chế biến theo kiểu chiên rán, nướng cháy khét, sử dụng nhiều gia vị, hóa chất...
Ăn nhiều ngũ cốc, rau xanh, trái cây tươi có chứa chất xơ.
Tránh xa các chất kích thích có chứa nồng độ cồn cao, nhất là rượu bia. Rượu bia chính là nguyên nhân làm suy hại các chức năng gan.
Chủng ngừa viêm gan siêu vi B nếu không có chống chỉ định, chủng ngừa giúp tránh nguy cơ nhiễm bệnh 90% cho trẻ em và người lớn.