Từ việc “người nuôi bệnh phản ứng vì phải đóng 30.000 đồng mỗi ngày”, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) quyết định ngưng việc thu tiền người nuôi bệnh.
Bệnh viện Từ Dũ thu 100.000 đồng từ người nuôi bệnh thứ hai ở một số khu, Chợ Rẫy có nhà nghỉ 5 tầng với nhiều mức giá.
BV Từ Dũ hằng ngày có rất đông người nhà đến chăm sóc thai phụ. |
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết nhiều năm nay bệnh viện triển khai thu 100.000 đồng từ người nuôi bệnh thứ hai trở đi. Quy định thu tiền không phổ biến trên toàn viện mà chỉ ở một số khu dịch vụ cao, hậu sản, hậu phẫu...
Theo bác sĩ Nhi, trong khung giờ cho phép, thân nhân được vô ra thăm nuôi bệnh. Ngoài giờ quy định, mỗi người bệnh được phép có một thân nhân ở lại chăm sóc, bệnh viện chỉ thu phí từ người thứ hai trở đi.
Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ lý giải, việc thu tiền nhằm hạn chế thân nhân ở lại bệnh viện quá đông. Bệnh nhân cần yên tĩnh nghỉ ngơi, nhiều trường hợp người nhà ở lại đông gây ồn ào, quậy phá khiến người bệnh không thể ngủ. Tình trạng nhiễm khuẩn, trà trộn trộm cắp, mất an ninh cũng dễ xảy ra nếu người nuôi bệnh vào phòng bệnh quá nhiều.
"Phí chỉ đủ để trang trải các khoản như đội bảo vệ tăng cường đi tuần các ở phòng, thêm khoản tiền điện, nước mà thân nhân ở lại dùng. Bệnh viện hầu như không thu lợi gì từ nguồn này", bác sĩ Nhi nói. Việc thu tiền này được bệnh viện công khai và người nuôi bệnh chấp thuận.
Còn đối với Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày tiếp nhận đến 7.000 lượt người khám chữa bệnh trên một ngày, kéo theo là một lượng thân nhân tương đương. Trước đây, khu trại 25 tạm bợ từng là nơi lưu trú cho các thân nhân có bệnh nhân nặng. Bệnh viện chỉ thu phí 2.000 đồng sử dụng nhà vệ sinh, còn bệnh viện bù lỗ tiền điện, nước, nhân viên dọn dẹp.
Đến cuối tháng 12/2018, khu Nhà nghỉ cho thân nhân bệnh nhân có quy mô 5 tầng đã bắt đầu thu phí sử dụng đối với thân nhân với nhiều mức giá từ 30.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày/người tùy theo tiện ích.
Nếu sử dụng giường 30.000 - 50.000 đồng có quạt, truyền hình cáp, máy nước nóng lạnh, nhà vệ sing chung. Còn phòng tầm 250.000 – 350.000 sẽ có máy lạnh, nhà vệ sinh riêng, truyền hình cáp.
Dù mức giá có tương đối cao, song có nhiều tiện ích ở nhiều mức cho người dân lựa chọn nên không ai phàn nàn. Giá cả hợp lý đã giúp cho thân nhân thuận tiện hơn chăm sóc bệnh nhân tỉnh xa phải ở lại viện điều trị lâu dài.
Theo bà Lý Thị Hảo (Trưởng phòng Công tác xã hội Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư) ở Hà Nội, tại Viện không thu phí của NNB, nhà vệ sinh vẫn đảm bảo sạch sẽ; chỉ thu 5.000 đồng/giường gấp nhỏ/đêm với NNB có nhu cầu. Còn lại không có phí nào khác”.
Tại BV K (Hà Nội) từng thu phí 2.000 đồng/lượt sử dụng nhà vệ sinh với người nhà nhưng đã bỏ từ lâu; tại BV Bạch Mai (Hà Nội) cũng không còn thu các khoản phí “mượn” áo vàng mặc khi vào chăm BN.
Quan điểm của Bộ Y tế
Ngày 10-4, trao đổi với báo chí về vấn đề BV có được thu phí người nuôi bệnh hay không, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng hiện nay các BV đã thực hiện tự chủ tài chính, chủ trương của Bộ Y tế cố gắng tạo điều kiện cho các cơ sở y tế làm chủ về kinh phí để có nguồn trả lương cho nhân viên và thực hiện nhiều công tác khác. Do đó theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, những khoản thu hợp pháp, không sai luật thì BV vẫn được quyền thu.
Trở lại vấn đề thu phí người nuôi bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận nhiều người không phải là bệnh nhân vào BV nhưng sử dụng điện, nước, vệ sinh, ảnh hưởng môi trường. “BV phải cử nhân viên hoặc thuê người dọn dẹp vệ sinh và trả tiền cho các khoản điện, nước này. Về nguyên tắc, BV là đơn vị tự chủ kinh phí nên người vào sử dụng dịch vụ phải trả tiền là hợp lý” - Thứ trưởng Tiến nói. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, thu như thế nào phải hợp lý và phải thông qua phê duyệt theo quy định hiện hành hợp pháp.