|
Chăm sóc bệnh nhi mắc sởi tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Lê Chi |
Anti vaccine rất nguy hiểm
Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Văn Kính cho biết, năm nay sởi bùng phát trên diện rộng, xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tình trạng này chủ yếu do sự chủ quan và tư tưởng chống vaccine (anti vaccine) của một bộ phận người dân. Chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư tiếp nhận gần 200 ca mắc sởi cả người lớn và trẻ em, trong đó có từ 3 - 5 ca bệnh nặng nhập viện mỗi ngày, số trẻ em nhiều hơn người lớn. Bệnh nhân đến từ rất nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam...
Nguyên nhân gây bệnh, theo Trưởng khoa Nhi của BV Bùi Vũ Huy, chủ yếu do sự chủ quan của nhiều ông bố bà mẹ, không đưa trẻ đi tiêm phòng. Khi trẻ mắc bệnh, cũng không cho đi khám mà tự chữa trị, vì vậy trẻ đến BV quá muộn khi đã rơi vào tình trạng co giật, viêm não, nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn như trường hợp của chị Nguyễn Thị M. (quê ở Phú Xuyên, Hà Nội) có con gái đang điều trị tại BV 3 ngày nay, do bận công việc nên chị liên tiếp quên lịch tiêm phòng cho con. Bé mắc sởi, nhập viện khi đã bị biến chứng viêm phế quản. Trường hợp của cháu Nguyễn Hương G. (8 tuổi, Hà Nội), mẹ cháu phản đối tiêm vaccine, nên G. dù đã 8 tuổi nhưng chưa được tiêm mũi vaccine nào. Hiện bé đang mắc sởi, đồng bội nhiễm viêm phổi khá nặng.
PGS.TS Bùi Vũ Huy thẳng thắn chia sẻ, phương pháp phòng bệnh tốt nhất và duy nhất hiện nay là tiêm vaccine. Tuy nhiên, phong trào anti vaccine đang gây ra nhiều hậu quả cho xã hội. Nhiều bệnh nhân suýt mất mạng, các bác sĩ phải rất vất vả, tìm mọi cách cứu bệnh nhân. "Nhiều bà mẹ ngã quỵ khi con mình thập tử nhất sinh, nhưng vẫn quyết tâm phản đối vaccine, rất kỳ lạ” -PGS.TS Huy nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định, nếu không tiêm phòng, trẻ sẽ không được miễn dịch, dễ mắc bệnh và lây lan cho cộng đồng. Hiện phong trào anti vaccine đang là mối nguy cho toàn xã hội, đặc biệt trước nguy cơ dịch sởi có thể tiếp tục bùng phát.
Người lớn cũng biến chứng nghiêm trọng
Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai hiện đang điều trị cho mốt số bệnh nhân mắc sởi, trong đó có trường hợp rất nặng. Đó là bệnh nhân Đ.H.V. (28 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau 3 ngày điều trị tại BV Hồng Ngọc không có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai ngày 17/2 trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức. Kết quả xét nghiệm dịch não tuỷ có biến loạn với chẩn đoán viêm não - màng não sau sởi. Đây là một biến chứng hiếm gặp, tuy nhiên đây là ca bệnh đầu tiên được ghi nhận bị biến chứng viêm não - màng não gặp trong mùa dịch năm nay. Tình trạng bệnh nhân khá nặng vì rối loạn ý thức, thở oxy và đang được theo dõi sát sao tại phòng hồi sức cấp cứu. “Theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sởi có biến chứng viêm não cần được chỉ định điều trị hỗ trợ bằng Imunoglobulin miễn dịch (IVIg) là loại thuốc rất đắt tiền. Nếu điều trị tích cực, bệnh có thể phục hồi nhưng cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng đến phát triển trí não, tinh thần, thể chất” - PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết.
Ngoài biến chứng viêm não, bác sĩ cảnh báo bệnh nhân mắc sởi có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù lòa...
Từ cuối năm 2018 đến nay, do thời tiết diễn biến bất thường, BV Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca sởi người lớn, nhiều ca nặng trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh mạn tính. Các chuyên gia cảnh báo số lượng ca sởi ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía Nam tăng đột biến. Đặc biệt ở trẻ em không được tiêm phòng và người lớn lứa tuổi 25 - 35 do không được tiêm nhắc lại vaccine sởi.
Theo Bộ Y tế, tính đến nay đã có 44 tỉnh, thành ghi nhận bệnh sởi, trong đó TP Hồ Chí Minh có số ca mắc cao nhất tới 22.000 ca. Còn tại Hà Nội cũng ghi nhận hơn 150 ca mắc sởi.
8 biện pháp phòng chống bệnh sởi Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt 8 biện pháp sau: 2. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. 3. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch. 4. Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày. 5. Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày. 6. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch. 7. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. 8. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện. |