Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam diễn ra vào chiều 19/2, Cục trưởng Cục Thú Y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông - cho biết, đã xuất hiện ổ dịch về dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên và Thái Bình.
Cụ thể, tại TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), đã phát hiện hộ ông Dương Văn Vũ ở xã Trung Nghĩa với 33 con lợn, chủ yếu là lợn con; hộ ông Lê Xuân Tình (xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ) với 101 con lợn con và lợn choai có bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tại tỉnh Thái Bình, ổ dịch được phát hiện tại một hộ chăn nuôi ở xã Đông Đô (H.Hưng Hà) với 123 con lợn.
Buổi làm việc tại Cục Thú y, chiều 19/2.
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y và địa phương đã vào cuộc tiêu hủy toàn bộ số lợn của hộ chăn nuôi. Tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao.
"Tiến hành thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch. Tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch"- ông Đông nói.
Tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch. Không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh. Không mua con giống không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín. Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang mầm bệnh từ nơi khác vào.
"Khi phát hiện lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh. Không điều trị vì bệnh này không điều trị được vì chưa có thuốc đặc trị"- ông Đông lưu ý.
Cũng theo ông Đông, bệnh dịch tả lợn châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Biểu hiện lợn bệnh là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết ồ ạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Do hiện tại không có thuốc chữa, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% ở tất cả các loại lợn con, lợn choai, lợn thịt. Cục Thú y đã lấy hàng trăm mẫu phân tích đối với các đàn lợn ở khu vực xung quanh ổ dịch được phát hiện và đang chờ kết quả chính thức.
Cán bộ thú y tiêu hủy, chôn lấp lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên.
Giải thích về nguyên nhân bệnh xuất hiện ở các tỉnh nằm sâu trong nội địa, trong khi đó chưa ghi nhận ở các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc là quốc gia hiện có các ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi, ông Đông cho rằng nguồn vi rút có thể phát tán qua các loài chim di cư từ nơi có khí hậu lạnh đến nơi ấm hơn. Hiện tại đang là thời điểm chim di cư từ các nước Nga, Trung Quốc, Mông Cổ... đang có dịch bệnh này. Cũng có nguyên nhân từ thói quen của người dân, khách du lịch mang theo thực phẩm thịt lợn có mầm bệnh vào Việt Nam, tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.
Bộ NN-PTNT thông báo, theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo có dịch tả heo châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con heo buộc phải tiêu hủy.
Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con heo các loại buộc phải tiêu hủy.
Nguy cơ lây nhiễm virus vào Việt Nam là không tránh khỏi. Rất may dịch bệnh này không gây nguy hiểm cho con người nhưng sẽ gây ra thiệt hại nặng nề nếu không thể kiểm soát dịch. Đến nay, cả thế giới cũng chưa tìm ra được thuốc để trị dịch bệnh này.