Thứ 5, 17/07/2025, 23:59 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Cách giúp cơ thể hồi phục thể lực sau vận động

Cách giúp cơ thể hồi phục thể lực sau vận động
(Tieudung.vn) - Việc hồi phục thể lực sau khi vận động là vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp bạn sửa chữa lại khối cơ đã bị hao mòn sau tập luyện mà còn quyết định đến kết quả tập luyện của buổi tập hôm sau. Dưới đây là những thói quen đơn giản giúp cơ thể hồi phục nhanh sau khi tập luyện.

Uống đủ nước và bổ sung điện giải

Sau khi đổ nhiều mồ hôi trong quá trình tập luyện, cơ thể không chỉ mất nước mà còn hao hụt một lượng đáng kể các khoáng chất thiết yếu như natri, kali, magie. Nếu chỉ uống nước lọc, bạn có thể dễ gặp các triệu chứng như choáng váng, mệt mỏi, thậm chí là chuột rút.

Bổ sung các loại nước có chứa điện giải tự nhiên như nước dừa, nước điện giải không đường, hoặc nước pha muối khoáng sẽ giúp giúp cơ thể tái cân bằng nội môi và phục hồi nhanh hơn.

Lưu ý, không nên uống quá nhiều nước trong một lần, mà hãy chia nhỏ lượng nước, uống từ từ trong -2 giờ sau khi tập.

Ngoài nước uống, bạn cũng có thể bổ sung khoáng chất thông qua giàu vi chất như chuối (giàu kali), cam (giàu vitamin C, chất điện giải) hay các loại rau lá xanh.

Bên cạnh đó, nên hạn chế sử dụng các loại đồ uống chứa caffeine hoặc rượu sau khi tập luyện, vì có thể làm tăng tình trạng mất nước, gây cản trở cho quá trình phục hồi của cơ thể.

Cách giúp cơ thể hồi phục thể lực sau vận động

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Ăn bữa phụ giàu protein và carbohydrate sau khi tập luyện

Sau một buổi tập luyện vất vả, cơ thể cần được bổ sung dưỡng chất để phục hồi, tái tạo năng lượng. Protein đóng vai trò quan trọng trong việc sửa chữa, xây dựng lại các mô cơ bị tổn thương, trong khi carbohydrate giúp tái tạo nguồn glycogen đã cạn kiệt, từ đó nhanh chóng khôi phục sức lực.

Một bữa ăn nhẹ sau tập nên kết hợp cả hai thành phần này. Bạn có thể chọn trứng, sữa chua Hy Lạp, yến mạch, hoặc sinh tố trái cây pha cùng bơ đậu phộng – vừa dễ ăn, thơm ngon, lại hỗ trợ hiệu quả cho quá trình phục hồi cơ thể. Tỷ lệ được khuyến nghị phổ biến là 3 phần carbohydrate và 1 phần protein, giúp cân bằng giữa việc nạp năng lượng, sửa chữa cơ bắp.

Bên cạnh thành phần dinh dưỡng, thời điểm ăn cũng rất quan trọng. Bạn nên ăn sau khi kết thúc buổi tập khoảng 30-60 phút để cơ thể hấp thụ dưỡng chất một cách tối ưu. Ăn quá muộn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hồi phục.

Massage 

Trên thực tế, massage thư giãn cũng là một liệu pháp hiệu quả được nhiều người yêu thích. Massage không chỉ làm nóng cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu mà còn xoa dịu các vết thương do va chạm trong quá trình tập luyện gây nên.

Thư giãn và hít thở sâu để giảm căng thẳng

Sau khi kết thúc buổi tập luyện đầy mồ hôi, hệ thần kinh vẫn còn trong trạng thái hưng phấn cao độ. Lúc này, việc thư giãn thông qua các bài tập hít thở sâu không chỉ giúp cơ thể chuyển sang chế độ nghỉ ngơi mà còn làm giảm nồng độ cortisol – hormone liên quan đến căng thẳng và mệt mỏi.

Một trong những phương pháp hiệu quả là thở bụng sâu: Hít vào bằng mũi, giữ hơi trong vài giây, sau đó thở ra từ từ bằng miệng. Kiểu thở này giúp tăng lượng oxy đưa đến tế bào, làm dịu hệ thần kinh và ổn định nhịp tim, nhờ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình hồi phục, tái tạo năng lượng.

Bạn có thể kết hợp thở sâu với thiền định hoặc đơn giản là nằm nghỉ ngơi trong tư thế nằm ngửa, tay chân thả lỏng trong khoảng 5-10 phút. Đây là khoảng thời gian để cơ thể thực sự thư giãn, giải phóng sự căng cứng tích tụ, hỗ trợ quá trình phục hồi cơ bắp một cách tự nhiên từ bên trong.

Giãn cơ nhẹ nhàng sau buổi tập

Sau mỗi buổi tập, bạn nên giãn cơ từ 15 - 20 phút. Với những bó cơ đang trong tình trạng căng cơ, rút cơ, bạn có thể thả lỏng nhẹ nhàng. Thói quen này tưởng chừng như đơn giản nhưng đóng vai trò rất lớn giúp người tập hạn chế tình trạng chấn thương, đau nhức cơ bắp,...

Bạn nên tập trung giãn các nhóm cơ chính vừa hoạt động, sử dụng các động tác giãn cơ tĩnh – nghĩa là giữ mỗi tư thế trong khoảng 20-30 giây. Chẳng hạn, sau khi chạy bộ hoặc đạp xe, nên ưu tiên giãn cơ chân, hông, vùng lưng dưới. Nếu vừa hoàn thành buổi tập tạ, hãy chú trọng đến các nhóm cơ như vai, tay, ngực.

Bên cạnh việc giãn cơ, bạn cũng có thể sử dụng con lăn massage để tự xoa bóp, giải phóng các điểm căng cơ. Phương pháp này không chỉ giúp tăng lưu thông máu mà còn hỗ trợ làm dịu cảm giác căng cứng. Duy trì thói quen này sau mỗi buổi tập sẽ góp phần nâng cao độ dẻo dai, đồng thời cải thiện đáng kể tình trạng đau nhức cơ vào ngày hôm sau.

Xông hơi

Không chỉ cải thiện khả năng lưu thông máu, xông hơi còn hỗ trợ rất tốt tình trạng sưng viêm, giải độc cơ thể và kích thích tăng sinh hormone tăng trưởng. Tốt nhất, bạn nên xông hơi trong 15 - 20 phút, đồng thời thư giãn tinh thần để đạt được hiệu quả tốt nhất. 

Ngủ đủ và đúng giờ

Giấc ngủ đóng vai trò như một liệu pháp phục hồi tự nhiên của cơ thể, đặc biệt sau những buổi tập nặng, mất nhiều sức. Trong khi ngủ, cơ thể sản sinh hormone tăng trưởng góp phần tái tạo tế bào cơ, phục hồi hệ thần kinh, tăng cường hệ miễn dịch. Vì vậy, nếu thiếu ngủ, hiệu quả của quá trình tập luyện, cũng như phục hồi sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt.

Một giấc ngủ ban đêm chất lượng, kéo dài từ 7-9 tiếng, là điều kiện cần thiết để cơ thể phục hồi toàn diện. Nếu có thể, một giấc ngủ ngắn kéo dài 15-30 phút sau buổi tập, đặc biệt vào buổi trưa, cũng mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, cần tránh ngủ quá lâu vào ban ngày, vì điều này có thể làm rối loạn nhịp sinh học, ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm.

Để có giấc ngủ sâu, bạn nên hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, tránh ăn quá no hoặc tiêu thụ caffein vào buổi tối. Duy trì thói quen ngủ đúng giờ, kết hợp không gian yên tĩnh, ánh sáng dịu, nhiệt độ phòng mát mẻ sẽ giúp cơ thể dễ dàng đi vào trạng thái nghỉ ngơi sâu, từ đó phục hồi tốt hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tags:
4.1 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.38936 sec| 802.859 kb