Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một clip với nội dung đối thoại giữa người nuôi bệnh và lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (Phường Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM). Người nhà đi nuôi người bệnh (NNB) ở khoa hồi sức phản đối bệnh viện thu phí với mức giá 30.000 đồng/ngày.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (Phường Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM). |
Lý giải vụ việc này, ông Cao Tân Phước, Giám đốc bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, xác nhận đây là chủ trương đã được Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện thông qua và có hiệu lực từ ngày 8/4. Chi phí 30.000 đồng/ngày đối với người nuôi bệnh để hạn chế lượng thân nhân vào viện nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Ông Phước giải thích thêm, trước đó bệnh viện khá lộn xộn vì nhiều nhóm trong đó có cả hộ sinh, nhân viên vệ sinh đứng ra cho người nuôi bệnh thuê ghế bố giá từ 15.000 - 20.000 đồng/ghế dẫn đến mâu thuẫn. Chưa hết, còn xảy ra cảnh đánh nhau trong bệnh viện để tranh giành quyền lợi.
Để tránh tình trạng lộn xộn và phục vụ tốt cho người nhà bệnh nhân, bệnh viện đã thống nhất cấp dịch vụ ghế bố, nơi sạc điện thoại di động, nước nóng - lạnh và nơi giặt và phơi quần áo cho thân nhân bệnh nhân. Song, chủ trương thu tiền chỉ mới áp dụng để lấy ý kiến từ phía người nuôi bệnh liền vướng phải sự phản đối từ phía người nhà bệnh nhân.
Ông Phước còn cho rằng, hiện nay các bệnh viện đều phải tự chủ tài chính, các khoảng chi phi điện nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày đều tăng lên nếu không thu phí thì không có kinh phí để bù đắp. Sau phản ánh của báo chí, bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã tạm dừng thu phí và làm báo cáo lên Sở y tế TP.HCM để xin ý kiến.
Theo nguồn tin trên Tuổi Trẻ online, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định: việc này phía bệnh viện chưa có trao đổi với Sở Y tế TP. "Về tinh thần chắc bệnh viện cố gắng phục vụ cho thân nhân được tốt hơn. Tuy nhiên cách làm kiểu thu phí trọn gói như thế là không đúng" - bác sĩ Thượng khẳng định.
Theo bác sĩ Thượng: hiện nay chưa có hướng dẫn thu phí người nuôi bệnh. Ngoài nhà vệ sinh đương nhiên phải phục vụ, Sở Y tế TP chỉ yêu cầu các đơn vị tăng các tiện ích, ai có nhu cầu về giường nằm, nước, ăn uống…thì đáp ứng dưới dạng dịch vụ cung ứng.
Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM, cho biết đã từng có vài BV ở TP thu tiền NNB 30.000 đồng/ngày, bị phản ánh, Sở Y tế TP đã yêu cầu BV ngưng thu.
Theo bà Liễu, trong cơ cấu giá viện phí chỉ được thu của BN (kể cả điện, nước), không nói đến việc thu tiền điện nước NNB sử dụng. “Đúng là BV có tốn chi phí điện, nước khi NNB sử dụng, trong khi các BV nhà nước hiện phải tự chủ tài chính nên rất khó cho BV. Sở Y tế sẽ có công văn gửi Bộ Y tế kiến nghị xem xét việc BV thu chi phí NNB dựa trên chi phí điện, nước thực tế”, bà Liễu nói.
Trong khi đó, theo một cán bộ của Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), trước đây một số BV có thu 5.000 - 15.000 đồng/ngày/NNB cho vệ sinh, điện, nước... Tuy nhiên, hiện tại các chi phí này đã tính trong cơ cấu giá dịch vụ y tế, nên không thu lặt vặt, mặc dù có thể phần cơ cấu giá dịch vụ y tế cũng chưa đủ nhưng BV cần tự cân đối các nguồn thu khác để bù đắp. Một số BV từng có thu phí vệ sinh để lấy nguồn bù đắp cho việc đảm bảo vệ sinh, nhưng Bộ Y tế đã yêu cầu dừng các khoản thu này, sau khi chi phí điện nước đã có trong cơ cấu giá dịch vụ y tế.
Theo bà Lý Thị Hảo (Trưởng phòng Công tác xã hội Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư) ở Hà Nội, tại Viện không thu phí của NNB, nhà vệ sinh vẫn đảm bảo sạch sẽ; chỉ thu 5.000 đồng/giường gấp nhỏ/đêm với NNB có nhu cầu. Còn lại không có phí nào khác”.
Tại BV K (Hà Nội) từng thu phí 2.000 đồng/lượt sử dụng nhà vệ sinh với người nhà nhưng đã bỏ từ lâu; tại BV Bạch Mai (Hà Nội) cũng không còn thu các khoản phí “mượn” áo vàng mặc khi vào chăm BN.