Thứ 6, 22/11/2024, 08:04 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Bác sĩ - Nghề cao quý trong những nghề cao quý

Bác sĩ - Nghề cao quý trong những nghề cao quý
(Tieudung.vn) - Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2019), TS BS CK II Phạm Hữu Văn trải lòng với bạn đọc của Tieudung.vn về nghề Bác sĩ - Nghề cao quý trong những nghề cao quý được xã hội tôn vinh với tên gọi “Thầy thuốc”…!

“Sinh lão bệnh tử” là quy luật của đời người. Mỗi người từ khi sinh ra đến lúc lìa đời, có biết bao nhiêu khó khăn thử thách phải trải qua. Trong đó bệnh tật là một trong những khó khăn lớn nhất mà đời người phải vượt qua. Người có khả năng khám, chữa cho người bệnh hồi phục sức khỏe được tôn vinh với tên gọi “Thầy thuốc”.

Muốn làm “Bác sĩ” giỏi, phải “tôi luyện” cả đời

Bác sĩ - Nghề cao quý trong những nghề cao quý
TS BS CK II Phạm Hữu Văn

Bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào trên thế giới cũng đều có thầy thuốc như một quy luật tự nhiên. Ở Việt Nam, từ ngàn đời nay ngoài danh từ “Thầy thuốc”, tại nhiều vùng miền người dân còn dùng danh từ “Thầy lang” để chỉ “Thầy thuốc”. Các cụ thường có câu “Trong làng có mỏ vàng, không bằng có ông lang thầy thuốc”. Vậy tại sao ngày nay chúng ta không gọi những người khám, chữa bệnh cứu người là “Thầy thuốc” hay “Thầy lang” mà lại gọi là “Bác sĩ”? Danh từ này có từ bao giờ? Chúng ta hiểu thế nào về danh từ này? Ai là người đưa ra danh từ “Bác sĩ”, và từ khi nào?

Từ chung để chỉ người có khả năng khám bệnh, chẩn đoán và đưa ra các biện pháp điều trị cho người bệnh trong tiếng Anh hay tiếng Pháp đều là Doctor hay Docteur. Từ Doctor được sử dụng mang nghĩa “Tiến sĩ”, “Bác học” và “Bác sĩ”. Vậy với người Việt Nam chúng ta từ “Bác sĩ” nên được hiểu như thể nào với ý nghĩa nhân văn to lớn của nó?

Theo chúng tôi hai từ này mang ý nghĩa khác nhau để bổ xung tạo nên ý nghĩa sâu sắc của một cụm từ chỉ một người với kiến thức và cả trái tim mình tất cả vì bệnh nhân. Trước hết Bác sĩ là một từ Hán Việt. “Bác” ở đây có thể hiểu là thông suốt, sâu rộng về kiến thức và cũng có nghĩa là bác học, là người cần có và phải có kiến thức uyên thâm trong một nghề nào đó. Còn từ “sĩ” tuy có nhiều nghĩa nhưng hiểu sâu xa có nghĩa tôn xưng người có phẩm hạnh hoặc tài nghệ riêng. Ví như cụm từ “dũng sĩ”, “hộ sĩ”, “bác sĩ”… vì vậy danh từ “bác sĩ” có thể hiểu là người có kiến thức uyên thâm.

Bác sĩ khi đứng trước bệnh nhân, đặc biệt trong tình huống cấp cứu, buộc phải xử lý nhanh chóng và chính xác mới có cơ may cứu được người bệnh. Để có được điều đó, sự tích lũy kiến thức rất quan trọng và khi hành động rất cần sự nhuần nhuyễn. Không một nghề nào cần và có thời gian học mà tỷ lệ thực hành cao như trong đào tạo bác sĩ. Sự “tôi luyện” này đòi hỏi liên tục trong cả đời hành nghề. 

“Học – Học nữa – Học mãi” để không lạc hậu

Tại một số nước, quy trình đào tạo bác sĩ có hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, sinh viên muốn trở thành bác sĩ được học về sinh học. Trong thời gian đó sẽ đi thực tế ở các bệnh viện, nhà dưỡng lão, các trại trẻ mồ côi… và các hoạt động xã hội từ thiện khác. Sau những đợt đi như vậy, mỗi một sinh viên đều được cho nhận xét khách quan về tinh thần và tâm huyết của người đó. Hết thời gian sẽ được thi kiến thức, phỏng vấn xét về “sĩ” của sinh viên. Ai có đủ kiến thức và chữ “sĩ” mới tiếp tục đào tạo để trở thành bác sĩ, còn không chỉ đi học các ngành có liên quan đến sinh học.

Mô tả ảnh
TS-BS Phạm Hữu Văn CN Khoa Nhịp tim (người ngồi giữa) với các BS-NV Khoa .

Có lẽ một trong những ngành vất vả nhất là nghề y. Với người bác sĩ, quá trình làm việc không được phép dừng lại nghỉ ngơi. Còn đối với người kỹ sư đang sửa máy, nếu thấy mệt hay khó quá có thể dừng lại nghỉ ngơi vài phút, vài giờ hoặc vài ngày hay hơn nữa và có thể xem sách tài liệu cũng như học hỏi người khác. Nhưng bác sĩ trong lúc cấp cứu bệnh nặng không thể dừng lại nghỉ ngơi. Sự dừng lại nghỉ ngơi đồng nghĩa với cái chết của người bệnh.

Vất vả là thế, nhất là trong xã hội ta hiện nay phần lớn các bác sĩ không đủ tài chính bằng nghề ngay tại nơi làm việc của mình. Một số bác sĩ may mắn có phòng khám tư ngoài giờ, còn không có thì cũng phải đi chữa bệnh “dạo”. Lấy sự vất vả ngoài giờ cũng là để cứu người để nuôi khát vọng cứu người nơi làm việc chính của mình vừa là nỗi vất vả vừa làm niềm an ủi của người thầy thuốc! Góc độ vất vả thứ hai của bác sĩ hay những người làm ngành y là luôn cập nhật kiến thức không ngừng nghỉ, phải học trong suốt cả đời mình theo phương châm “Học – Học nữ - Học mãi”. Vì nếu dừng lại có nghĩa đã lạc hậu, có nghĩa là những biện pháp chẩn đoán và điều trị của mình đã bị hạn chế và hiệu quả đã giảm sút, thậm chí còn có hại.

“Cứu một người phúc đẳng hà sa”

Trong hầu hết tất các sách về nghề thuốc của cha ông ta thường ghi ở trang đầu: “Nhất thế y, tam thế suy”, câu răn này thường được ghi ở trang đầu trong các sách làm thuốc của cha ông ta. Câu nói ấy vừa tôn vinh một nghề cao đẹp, vừa cảnh báo một sự thật sâu sa, đằng sau ánh hào quang ấy, nếu không biết giữ gìn thì hậu quả thật khôn lường với ngay chính mình và người thân.

Mô tả ảnh
TS-BS Phạm Hữu Văn (người đứng thứ 2 từ phải qua) tham gia Hội đồng KH chấm luận án TS tại Học viên Quân y.

Người xưa lại có câu: “Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Và, thật hạnh phúc biết bao khi nghề thầy thuốc hay bác sĩ đem lại sự sống cho bệnh nhân. Vì nếu chậm một chút là bệnh nhân qua đời, con mất cha, mất mẹ, cháu mất ông mất bà, mẹ mất con. Các cụ ta còn có câu: “cứu bệnh hơn cứu hỏa”. Khi chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số giáo sư, bác sĩ nước ngoài đến làm việc tại nước ta đúng dịp ngày “Thầy thuốc Việt Nam”. Họ đã đánh giá rất cao về tính nhân văn của ngày cao đẹp này. Hôm nay là ngày “Thầy thuốc Việt Nam”, chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa của hai từ “Bác – Sĩ”, để từ đó chúng ta vừa tự hào và vừa thấy như mình còn có nhiều lỗi với đồng loại!

Nhìn lại để đánh giá mình, chúng ta thấy dường như tất cả những gì từ nghề nghiệp chúng ta có được đều ở nơi người bệnh! Chúng ta thầm biết ơn những bệnh nhân đã chịu biết bao đau đớn do bệnh tật để cho chúng ta những từ sự đau khổ ấy. Vâng, còn rất nhiều việc chúng ta chưa làm được, và còn nhiều việc chưa làm tốt với đồng loại của mình! Vì thế ngày này như nhắc nhở chúng ta nhiều và rất nhiều…

Thời gian học và sự vất vả của nghề bác sĩ

Anh Nguyễn Minh Tuấn (SN 1996, ngụ quận 6), hiện là sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh), cho biết thời gian đào tạo sinh viên Đại học Y khoa mất 6 năm. Sau đó phải thực hành thêm 18 tháng tại bệnh viện, lúc đó mới được cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ đa khoa và mới được trực tiếp khám bệnh cho bệnh nhân. Còn muốn được khám chuyên khoa thì phải mất thêm nhiều năm nữa.

Chị Nguyễn Việt Hải (SN 1985, định cư tại Mỹ), cho biết ở Mỹ muốn trở thành bác sĩ, các sinh viên học ít nhất 11 năm (3 giai đoạn). Trong đó mất 4 năm học Đại học, 4 năm học trường Y và thực hành ít nhất 3 năm tùy theo ngành. Trong quá trình học, vào mỗi mùa nghỉ hè sinh viên các Trường Đại học Y khoa còn phải tham gia công việc thiện nguyện ở nước ngoài (Nam Mỹ, châu Phi, châu Á), dù việc thiện nguyện không bắt buộc. “Trước kia trường chúng tôi thường tổ chức các đoàn Giáo sư, bác sĩ cùng với sinh viên về Việt Nam tổ chức khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí. Việc cho sinh viên sang nước khác có 2 nghĩa: làm từ thiện giúp bệnh nhân nghèo và bổ sung kiến thức về ngành y cho sinh viên. Đó là nhìn các giáo sư thực hiện tiểu phẫu cho bệnh nhân, biết thêm một số bệnh ở Mỹ không có”, chị Hải cho biết.

Còn bác sĩ Lê Tuấn Khoa, hiện công tác tại Đa khoa TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) cho biết công việc của bác sĩ không những rất vất vả mà luôn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm từ bệnh nhân. “Nguy cơ phơi nhiễm xảy ra nhiều nhất ở các cơ sở điều trị bệnh nhân ma túy hoặc trung tâm chữa trị người bệnh tâm thần. Khi làm các thủ thuật tiêm, truyền (nước, dịch, máu), bệnh nhân không phối hợp dẫn đến bác sĩ bị kim hoặc dụng cụ chạm vào chân, tay. Ngoài ra việc bác sĩ bị phơi nhiễm còn xảy ra ở các trường hợp cấp cứu. Khi cấp cứu cần phải khẩn trương, có những trường hợp bác sĩ không kịp đeo kính, lúc đó dịch (do bệnh nhân ho) hoặc dịch từ vết thương bắn vào mắt bác sĩ dẫn đến phơi nhiễm”, bác sĩ Lê Tuấn Khoa, bộc bạch.

Tân Tiến

Tags:
5 1 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.46595 sec| 817.172 kb