Nếu bạn mắc phải những thói quen dưới đây thì đảm bảo dù bạn ăn ít cỡ nào cũng vẫn sẽ mập.
Không ăn sáng hoặc ăn quá muộn
Thường xuyên bỏ bữa sáng khiến bạn tăng cân, béo phì. Nguồn ảnh: Internet
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì bữa sáng có thể coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Thế nhưng, nhiều người lại thường xuyên bỏ bữa sáng vì quá bận rộn hoặc vì muốn giảm cân.
Đây là một sai lầm khiến năng lượng cần thiết trong một ngày khó kiểm soát. Việc bạn không ăn sáng hay ăn khi đã gần đến trưa sẽ dẫn tới các bữa khác trong ngày bị ảnh hưởng.
Cụ thể, khi bạn bỏ một bữa, bạn sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn vào các bữa sau để bù đắp năng lượng.
Khi bạn ăn sáng muộn đồng nghĩa với bữa trưa và tối cũng ăn muộn. Dù bạn có ăn ít thì cơ cũng không kịp hoạt động để tiêu thụ hết lượng calo dung nạp trước khi đi ngủ. Năng lượng dư thừa sau bữa tối muộn sẽ chuyển sang dạng dữ trữ là mỡ thừa gây thừa cân béo phì.
Lười vận động
Chế độ ăn uống chỉ chiếm 70% sự thành công của việc giảm cân. 30% còn lại đến từ tập luyện. Bạn cần vận động để tiêu hao calo, đốt cháy mỡ thừa và ngăn ngừa tích tụ mỡ. Ngồi nhiều, lười vận động là thói quen nguy hiểm, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tăng nguy cơ béo phì do năng lượng nạp vào nhiều nhưng không tiêu thụ, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, thoái hóa xương khớp... hay thậm chí tử vong.
Căng thẳng kéo dài
Căng thẳng kéo dài làm tăng nồng độ hormone cortisol. Hormone này làm gián đoạn quá trình trao đổi chất, gây tích tụ chất béo. Tình trạng này kéo dài làm mỡ bụng ngày một dày thêm. Nên điều chỉnh lịch sinh hoạt, cân đối giữa công việc và nghỉ ngơi, tìm các biện pháp giải tỏa căng thẳng.
Ngủ không đủ giấc
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự liên hệ giữa cân nặng và giấc ngủ. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng, không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn mà còn điều chỉnh cảm giác thèm ăn. Khi thiếu ngủ, bạn sẽ mệt mỏi, có nhu cầu ăn nhiều hơn, đặc biệt là ăn các thực phẩm giàu năng lượng. Bạn nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để quá trình giảm cân đạt hiệu quả.
Thường xuyên ăn đồ ăn nhanh
Đồ ăn nhanh chứa rất nhiều chất béo và calo, thường xuyên ăn đồ ăn nhanh dễ dẫn đến tình trạng nạp nhiều calo và gây béo phì. Ngoài ra, các loại thức ăn nhanh tương đối đơn lẻ, ăn thường xuyên sẽ gây thiếu hụt một số chất dinh dưỡng.
Cách tiếp cận chính xác trong quá trình giảm cân là đảm bảo càng nhiều thực phẩm đa dạng và cân bằng dinh dưỡng càng tốt dưới tiền đề kiểm soát lượng calo, điều này có lợi hơn cho việc giảm cân.
Ăn ít bữa hơn
Những người ăn ít bữa trong ngày có nguy cơ và mức độ béo phì cao hơn những người ăn nhiều bữa hơn một chút. Vì mỗi lần ăn, cơ thể cần tiêu hao năng lượng do tác dụng động đặc biệt của thức ăn (quá trình ăn cũng tiêu hao calo), và số lần ăn càng nhiều thì năng lượng tiêu hao càng lớn.
Do đó, nên đảm bảo ít nhất ba bữa một ngày trong thời gian giảm cân, nên ăn ít và nhiều bữa.
Ăn thịt trước, ăn rau sau
Muốn giảm cân thì đừng bao giờ "nhìn chằm chằm" vào món thịt và thực phẩm chiên rán trên bàn ăn. Bởi các loại thực phẩm này rất béo và nhiều dầu mỡ, ăn nhiều chỉ khiến cân nặng tăng vù vù mà thôi. Trong bữa ăn, hãy ưu tiên ăn các món rau trước bởi rau sẽ thúc đẩy nhu động ruột, cải thiện cảm giác no và giảm đi lượng thức ăn giàu calo.
Ăn đêm
Ăn quá nhiều vào buổi tối và không vận động sẽ khiến năng lượng dư thừa chuyển hóa thành mỡ và tích trữ trong cơ thể. Ngoài ra, nếu ăn trước khi ngủ, bạn đang vô tình bắt dạ dày phải hoạt động quá giờ, khiến sự tiết hormone bị mất cân bằng. Bạn nên kiểm soát lượng thức ăn vào bữa tối, không nên bổ sung bữa ăn trước khi đi ngủ 3 tiếng.
Dùng thuốc
Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc tránh thai... có tác dụng phụ là gây tăng cân. Bạn nên lưu ý phản ứng phụ khi sử dụng thuốc. Nếu nghi ngờ một số loại thuốc làm bạn tăng cân, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.