Trong nhà có những vị trí tưởng như vô cùng sạch sẽ nhưng thực chất lại ẩn chứa lượng lớn vi khuẩn có hại.
Tay nắm cửa
Tay nắm cửa chứa một ổ vi trùng từ mọi thứ xung quanh. Nguồn ảnh: Internet
Tay nắm cửa ở khắp mọi nơi là thứ bạn thường chạm vào hàng ngày. Thế nhưng, bạn có biết rằng chúng lại chứa một ổ vi trùng từ mọi thứ xung quanh. Nếu bạn vô tình chạm vào tay nắm cửa rồi ngồi vào bàn ăn thì lượng vi trùng này có thể đi vào cơ thể của bạn bất cứ lúc nào.
Do đó, hãy thường xuyên vệ sinh tay nắm cửa trong nhà, đặc biệt là nhà bếp và toilet để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
Thảm lót chân
Thảm lót chân gần cửa là một trong những khu vực được đánh giá bẩn nhất trong nhà. Vì sao? Gần 96% lòng bàn chân hội tụ vi khuẩn gây bệnh, mỗi lần lau chân vào thảm đi vào trong nhà đều sẽ mang theo mầm bệnh.
Vì vậy, phải khử trùng thảm lau chân ở gần cửa bằng chất khử trùng mỗi tuần, cố gắng để giày dép bên ngoài cửa, không đặt túi hoặc các sản phẩm tạp hóa trên thảm.
Điều khiển từ xa
Đây là thứ bạn dùng thường xuyên mỗi khi trở về nhà, nhưng lại có khả năng gây nhiễm khuẩn Staphylococcus Aureus cho cơ thể. Do đó, hãy thường xuyên dùng khăn sạch vệ sinh điều khiển và tránh để chúng tiếp xúc lên cơ thể thì các loại vi khuẩn, virus sẽ không có cơ hội làm ảnh hưởng đến làn da của bạn.
Đầu vòi hoa sen
Quan niệm vòi hoa sen có thể tự làm sạch vì mỗi khi sử dụng nước sẽ rửa trôi tất cả vi khuẩn là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, nó lại chính là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi nảy nở khi mà có nguồn nước giàu khoáng chất cộng với điều kiện nóng ẩm của vòi hoa sen.
Theo các nhà khoa học, vòi hoa sen tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho sự phát triển của các vi sinh vật có khả năng gây tử vong. Điển hình như vi khuẩn nguy hiểm gây ra các bệnh về phổi - mycobacterium.
Miếng rửa chén nhà bếp
Miếng bọt biển là một trong những dụng cụ phổ biến nhất được dùng để làm sạch bát đũa. Thế nhưng dụng cụ làm sạch này lại không hề "sạch" như chúng ta nghĩ. Do tiếp xúc với dầu mỡ hàng ngày, thêm vào đó là gần như luôn ở trong trạng thái ẩm ướt khiến miếng rửa chén trở thành "ngôi nhà lý tưởng" cho vi khuẩn.
Nhiều người đã áp dụng phương pháp cho miếng bọt biển vào trong lò vi sóng để tiêu diệt vi khuẩn. Những tưởng chúng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn nhưng thực tế, chúng ta làm vậy là đang tạo điều kiện cho chúng phát triển nhanh hơn. Cách tốt nhất để đảm bảo vệ sinh là bạn hãy thay miếng bọt biển từ 2 - 3 tuần một lần.
Gioăng cao su của máy giặt
Máy giặt có nhiệm vụ là làm sạch quần áo nhưng điều đó không có nghĩa là chúng có thể tự làm sạch chính mình. Bên trong máy giặt có rất nhiều nấm mốc, đặc biệt là gioăng cao su. Đây là địa điểm tốt để vi khuẩn sinh sôi nhờ vào độ ẩm của máy và cặn chất tẩy rửa.
Việc không vệ sinh máy giặt thường xuyên trở thành một vấn đề phổ biến của các gia đình. Nó không chỉ tạo điều kiện cho vi khuẩn mà còn làm ảnh hưởng lớn đến chức năng, tuổi thọ của máy khi không vệ sinh hoặc sử dụng không đúng cách.
Thớt
Trong bếp, ngoài miếng rửa chén thì thớt cũng là nơi dễ trở thành nơi trú ngụ của vi khuẩn. Theo một nghiên cứu, thớt có nhiều vi khuẩn gấp 200 lần so với toilet. Trên bề mặt của thớt có thể chứa nhiều vi khuẩn như E.coli, Salmonella và Campylobacter (các vi khuẩn gây tiêu chảy và bệnh đường ruột) có thể lây lan từ thớt sang thức ăn và khi cơ thể hấp thụ sẽ gây bệnh. Do đó cần phải vệ sinh thớt đúng cách để an toàn cho sức khỏe .
Sử dụng chanh để vệ sinh thớt rất tốt vì tính axit trong chanh giúp khử mùi hiệu quả, nhất là mùi tanh. Cắt đôi quả chanh rồi chà trực tiếp lên thớt hoặc hòa nước cốt chanh với nước rửa chén để làm sạch. Ngoài ra có thể dùng giấm trắng để làm sạch thớt vì giấm có tác dụng khử trùng, khử mùi rất tốt, thích hợp để làm sạch thớt bẩn sau khi thái thịt, cá.
Sau khi vệ sinh bạn để thớt ở nơi khô ráo thoáng mát và hãy mua chiếc mới khi chiếc cũ có dấu hiệu bị mốc, đen.
Giá để khăn
Không ít người mỗi khi nghĩ đến vi sinh vật cư trú trong nhà vệ sinh là họ cảm thấy bị ám ảnh. Do đó, họ sẽ luôn tìm cách giữ cho mọi thứ được sạch sẽ nhất có thể. Nhưng khi vệ sinh hầu hết lại chỉ tập trung vào việc cọ sàn nhà, bồn rửa mặt, bồn cầu mà chẳng mảy may nghĩ đến những thứ khác.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phần lớn chúng ta đều bỏ qua việc vệ sinh giá treo khăn trong lúc dọn dẹp nhà tắm. Cũng chính vì lý do này mà giá treo khăn đã trở thành một trong những vật dụng bẩn nhất ở phòng tắm của chúng ta. Từ nay, mỗi khi vệ sinh nhà tắm bạn hãy nhớ lau chùi cả vật dụng này nữa nhé!