Đổ mồ hôi đêm là như thế nào?
Đổ mồ hôi đêm là tình trạng cơ thể ra mồ hôi nhiều quá mức có thể làm ướt quần áo và giường nệm, do môi trường hoặc phòng ngủ quá nóng, mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp nhiều chăn khi ngủ...
Đổ mồ hôi đêm khiến cơ thể cảm thấy khó chịu và thức giấc. Do đó, cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục tình trạng đổ mồ hôi về đêm.
Thời kỳ mãn kinh
Mãn kinh sẽ gây tình trạng mất cân bằng hormone ở phụ nữ độ tuổi trung niên, mà một trong những triệu chứng phổ biến nhất là bốc hỏa, đổ mồ hôi vào ban đêm.
Tác dụng phụ của dược phẩm
Một số loại dược phẩm, như thuốc chống trầm cảm ba vòng hay thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), có thể gây đổ mồ hôi vào ban đêm.
Bệnh lao
Bệnh lao phổi là bệnh dễ mắc bởi người có hệ miễn dịch yếu. Triệu chứng ban đầu của bệnh này có thể là cơn sốt đi kèm với tình trạng vã mồ hôi vào ban đêm.
Áp-xe
Áp-xe là một dạng nhiễm khuẩn nặng, hình thành túi dịch mủ cấu tạo từ vi khuẩn, xác bạch cầu và các mảnh vụn. Áp-xe có thể gây đổ mồ hôi vào ban đêm, đi kèm với cơn sốt cao và cảm giác ớn lạnh.
Bị hạ đường huyết
Lượng đường huyết trong cơ thể bị giảm (dưới 70mg/dL) cũng có thể gây đổ mồ hôi đêm. Những người bị bệnh hạ đường huyết thường có các triệu chứng như chóng mặt, run rẩy, đổ nhiều mồ hôi.
Rối loạn nội tiết tố
Đổ mồ hôi đêm ở người lớn hoặc đỏ bừng mặt có thể xuất hiện khi người bệnh bị rối loạn một số hormone, bao gồm ung thư tuyến thượng thận, hội chứng carcinoid – một loại khối u của tuyến nội tiết thần kinh và cường giáp.
Các bệnh lý về thần kinh
Một trong các nguyên nhân gây đổ mồ hôi có thể không phổ biến nhưng là yếu tố chỉ định như sau chấn thương, đột quỵ, hoặc các bệnh lý về thần kinh, bệnh rỗng tủy sống đều có thể dẫn đến triệu chứng đổ mồ hôi đêm.
Đổ mồ hôi đêm gây ra nhiều phiền toái vì có thể khiến chúng ta bị thức giấc. Nếu bị đổ mồ hôi nhiều về đêm mà không rõ nguyên nhân, kèm theo một số triệu chứng khác, người bệnh cần đi khám để xác định căn nguyên của bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.