Thanh niên 29 tuổi, ở Hưng Yên, uống rượu cùng bạn bè, tối về nhà không ăn uống, lên giường ngủ, sáng hôm sau gọi không phản ứng.
Người nhà kiểm tra thấy chân tay anh lạnh duỗi cứng, hôn mê, đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên cấp cứu. Ngày 4/1 bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, nhiễm toan chuyển hóa, suy thận, tiêu cơ vân nặng, do ngộ độc rượu.
Các bác sĩ hồi sức, lọc máu, bệnh nhân không có dấu hiệu hồi phục, gia đình xin đưa về nhà ngày 6/1, tử vong. Đây là một trong nhiều bệnh nhân tổn thương nặng do uống quá nhiều rượu mà Trung tâm Chống độc tiếp nhận gần đây.
Một bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Nga.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết ngày nào cũng tiếp nhận 2-3 ca ngộ độc rượu, trong đó có cả ngộ độc ethanol (rượu thường) và methanol (rượu cồn công nghiệp). Cận Tết và Tết, số bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện tăng cao gấp nhiều lần.
"Không phải chỉ có người uống phải rượu giả pha cồn công nghiệp (methanol) mới ngộ độc, mà rượu thông thường cũng gây ngộ độc nặng do uống quá nhiều, khi uống không ăn, dẫn đến hạ đường huyết, tổn thương não nặng", bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, cứ vào dịp cận Tết, số lượng bệnh nhân bị ngộ độc rượu nhập viện tăng cao gấp nhiều lần. Có những trường hợp uống rượu nhiều đến mức khi đến viện xét nghiệm nồng độ ethanol lên đến 500 mg/dl. Uống quá nhiều rượu khiến thần kinh ức chế, dễ rơi vào hôn mê sâu, ngừng thở, thiếu oxy, tổn thương não, ngừng tim.
"Không phải chỉ có người uống phải rượu giả pha methanol mới ngộ độc, mà rượu thông thường ethanol cũng gây ngộ độc nặng nếu uống quá nhiều, nhất là khi uống không ăn, dẫn đến hạ đường huyết, tổn thương não nặng như trường hợp của bệnh nhân 29 tuổi nói trên. Người dân nên hạn chế uống rượu, bia khi đói. Khi uống phải bổ sung năng lượng cho cơ thể, ăn thêm cơm, cháo, uống thêm sữa, nước đường, hoa quả....", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.
Các bác sĩ cho biết, bị ngộ độc rượu chứa ethanol và methanol, từ 12-24 giờ sau khi uống, nạn nhân cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn và đau bụng. Tuy nhiên, nếu là cồn ethanol thì sẽ gây ngộ độc rượu rồi lại tỉnh, nhưng nếu là cồn methanol thì nạn nhân uống say dễ gây tử vong.
Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối thấp cho bệnh nhân nằm nhằm làm nôn hết rượu ra. Sau đó, để bệnh nhân ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn cháo loãng, tránh trường hợp để bệnh nhân đói sẽ bị hạ đường huyết nguy hiểm. Nếu bệnh nhân lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì hoặc cứ ăn vào là nôn thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.