Tỏi
Tỏi tươi có chứa một axit amin được gọi là alliin. Khi nghiền nát hoặc cắt nhỏ, tỏi giải phóng ra một loại enzyme là alliinase. Sự tương tác giữa alliin và alliinase tạo thành allicin.
Allicin có khả năng chống xơ vữa động mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol. Ngoài ra, bổ sung allicin còn có tác dụng tăng cường hiệu suất tập thể dục.
Trong đánh giá tổng hợp dựa trên 14 nghiên cứu về bệnh nhân bị tăng cholesterol máu, việc ăn tỏi thường xuyên làm giảm đáng kể lượng cholesterol toàn phần và cholesterol xấu.
Những người tham gia nghiên cứu đã sử dụng tỏi đen già, dầu tỏi hoặc bột tỏi, từ 0,3 đến 20g mỗi ngày và được theo dõi trong khoảng thời gian từ 4 tuần đến 10 tháng.
Các tác giả cho rằng tỏi có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol từ ruột vào máu. Tỏi ức chế squalene monooxygenase và HMG-CoA, những enzym cần thiết để tạo ra cholesterol, do đó làm giảm quá trình tổng hợp cholesterol. Tỏi còn có tác dụng đối với chức năng gan làm tăng tiết axit mật, hỗ trợ phân hủy và bài tiết cholesterol.
Mặc dù tỏi an toàn và thường được dung nạp tốt nhưng có thể cản trở một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, chống virus, chống viêm không steroid. Vì vậy, nếu bạn đang uống các loại thuốc trên, hãy hỏi các bác sĩ về việc ăn tỏi.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Nghệ
Người ta tìm thấy trong nghệ có một hợp chất chống viêm và kháng khuẩn tự nhiên tên là curcumin. Chuyên gia dinh dưỡng ung thư tại New York (Mỹ) Amanda Bontempo nhận định curcumin là “một trong những chất chống viêm mạnh nhất được xác định cho đến ngày nay”. Vì vậy, khi nói đến tác dụng ngăn ngừa ung thư, không quá khi nói nghệ là “vua của các loại gia vị”.
Bên cạnh đó, nghệ cũng được chứng minh là có tác dụng làm giảm mức cholesterol xấu và chất béo trung tính, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và đột quỵ, hỗ trợ chữa bệnh dạ dày. Theo nghiêu cứu thì dùng nghệ liên tục trên 12 tuần giúp giảm đáng kể huyết áp tâm thu, giảm hạ huyết áp.
Hạt tiêu
Hạt tiêu đen có chứa một hợp chất gọi là piperine, được phát hiện là có tác dụng giảm cholesterol tiềm năng. Piperine ức chế hoạt động của một loại enzyme liên quan đến tổng hợp cholesterol trong gan và làm tăng bài tiết a xít mật giúp hỗ trợ thêm cho quá trình tiêu hóa và hấp thu chất béo trong chế độ ăn uống.
Hạt tiêu đen cũng chứa chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm, bảo vệ chống lại tác hại do các gốc tự do gây ra và giảm nguy cơ phát triển mức cholesterol cao.
Hạt cỏ cà ri
Cỏ cà ri là một loại gia vị thường được sử dụng trong ẩm thực Ấn Độ và Trung Đông. Nó chứa các hợp chất gọi là saponin, được chứng minh là có đặc tính làm giảm cholesterol. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cỏ cà ri có thể giúp giảm mức cholesterol LDL và cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, cỏ cà ri còn được chứng minh là giúp cải thiện tiêu hóa và giảm viêm.
Quế
Trong quế có chứa hợp chất cinnamaldehyde và axit cinnamic có thể làm giảm cholesterol xấu và chất béo trung tính. Bên cạnh đó, hợp chất hydroxy cinnamaldehyde còn có khả năng ngừa viêm và ngăn chất béo tích tụ trong máu, giúp giảm mỡ bụng, phòng ngừa mỡ máu.
Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 của Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy hợp chất cinnamaldehyde trong quế giúp ức chế sự di căn ung thư đại trực tràng nhờ ức chế phản ứng viêm làm tế bào ung thư phát triển. Mỗi ngày nên bổ sung ít nhất 1,5g (khoảng 3/4 thìa cà phê) quế vừa giúp tăng mùi vị cho món ăn, đồ uống lại vừa tốt cho sức khỏe.
Gừng
Hợp chất gingerol và shogaol có trong gừng được chứng minh là có đặc tính chống viêm và giảm cholesterol. Nghiên cứu cho thấy gừng có thể giúp giảm mức cholesterol xấu đồng thời cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2008 cho thấy gừng giúp làm giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt. Bên cạnh đó, gừng còn được chứng minh là giúp cải thiện tuần hoàn, ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch.