Sáng nay, 14/12, tổ chức trang công cụ đo chất lượng không khí tiếp tục đưa Hà Nội vào vị trí đầu bảng của các thành phố bị ô nhiễm. Theo đó, chỉ số AQI của Hà Nội được Airvisual cập nhật tới 9h sáng nay ở mức nguy hại 359, vượt xa các thành phố xếp hạng sau đó như Ulaanbaatar (Mông Cổ) 264, Dhaka (Bangladesh) là 264, hai thành phố Vũ Hán và Thành Đô (Trung Quốc) lần lượt xếp thứ 4 và 5.
Theo Air Visual, lúc 6 giờ 15 ngày 13.12 chất lượng không khí tại Hà Nội bị cho là có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu. |
So sánh với số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc tại trạm Nguyễn Văn Cừ, vào lúc 10h sáng nay, chỉ số AQI là 204, tuy thấp hơn nhưng vẫn ở mức rất xấu. Cùng thời điểm này, AQI do Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội) cung cấp ở mức trung bình 233; trong đó có trạm đo lên tới 280.
Theo phân loại, giá trị Giá trị AQI trong khoảng từ 201 đến 300 cảnh báo tới sức khỏe, có nghĩa là mọi người có thể gặp phải những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi AQI trị giá hơn 300 cảnh báo ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Toàn bộ người dân có khả năng bị ảnh hưởng bởi các tác động sức khỏe nghiêm trọng.
Theo nguồn tin trên báo Thanh niên, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng tác nhân gây ô nhiễm không khí ở TP.Hà Nội chủ yếu đến từ các nguồn thải nhân tạo từ hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp... diễn ra thường xuyên nên lượng phát thải mang tính liên tục. Trong đó, hoạt động giao thông, xây dựng là những tác nhân tạo ra lượng bụi mịn lớn. Chưa kể, tình trạng người dân ở miền Bắc có thói quen đốt phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, góp phần gia tăng lượng bụi mịn PM2.5 trong không khí.
Lý giải rõ hơn, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và khí hậu, vì trong khi lượng phát thải bụi gây ô nhiễm từ các nguồn kể trên vẫn duy trì đều nếu thời tiết có nhiều nắng, gió thì bụi mịn được phát tán trên phạm vi rộng.
Tuy nhiên, vào thời điểm giao mùa, đầu đông, không khí khô hơn, cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm tích tụ, gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào thời gian sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.
“Xem xét lượng mưa ở thời điểm giao mùa cuối thu đầu đông từ năm 2013 - 2019 ở khu vực Hà Nội cho thấy năm nay có lượng mưa thấp nhất. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến”, vị này nói.