Theo Đông y, rau răm có vị cay, tính ấm, tác dụng kiện tỳ, ích vị, tiêu thực, trừ thấp, thường dùng trong các trường hợp lạnh bụng, ăn uống không tiêu, phong thấp, làm gia vị giúp làm ấm, điều hòa tính lạnh của thức ăn. Rau răm hay được chế biến cùng với những món ăn mang tính hàn hoặc khó tiêu.
Bên cạnh đó, rau răm chứa nhiều dưỡng chất, có công dụng tốt cho sức khỏe. Hạt rau răm sắc uống cùng hương nhu chữa thổ tả (nôn và đi ngoài nhiều). Rễ rau răm hòa cùng rượu sắc uống làm hạ những cơn đau tim, khi vắt lấy nước cốt, hòa rượu bôi, bã đắp ngoài chữa hắc lào, lang ben, chốc lở, rắn cắn. Rau răm tươi giã, vắt lấy nước cốt uống chữa say nắng, khô khát.
"Đặc biệt, rau răm tác dụng chữa sỏi thận hiệu quả", lương y Bùi Đắc Sáng cho biết. Về vấn đề rau răm có làm yếu sinh lý không? Lương y cho biết về lý thuyết, rau răm có thể gây ra nóng, giảm tinh khí, làm suy yếu tình dục kể cả nam và nữ. Đàn ông thì kém cường dương tráng khí, khô chân huyết, còn phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt. "Để có các ảnh hưởng này thì phải nạp vào cơ thể lượng rau răm rất lớn (từ 0,5 kg trở lên) và ăn thường xuyên, mỗi ngày", lương y nói. "Do vậy, khi ăn món có rau răm như ăn trứng vịt lộn với rau răm, canh rau răm... không bị yếu sinh lý hay liệt dương".
Còn theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch hội Đông y Việt Nam, chưa có tài liệu nào nói đến khả năng kìm hãm khả năng tình dục của rau răm.
Nguyên Chủ tịch hội Đông y cho biết thêm, lời đồn về khả năng hãm dục của rau răm chỉ là kinh nghiệm dân gian, chưa có tài liệu nghiên cứu khoa học nào khẳng định điều đó. Trong đông y, thuốc được chia thành 3 loại. Trừ loại cá biệt, nếu loại thuốc vừa làm rau vừa làm thuốc được thì không có tính năng chữa bệnh; đối với loại được coi là thuốc thì việc sử dụng thay cho các thực phẩm, thức uống hàng ngày đều vô cùng nguy hiểm. Rau răm chỉ là loại rau gia vị và khả năng chữa bệnh hay phát bệnh của nó không đáng kể và không cần đề phòng.