Tăng cân trở lại
Hiển nhiên, giảm cân là một trong những lợi ích tuyệt vời nhất của việc bỏ bữa. Việc nhịn ăn trong chế độ ăn kiêng Intermittent Fasting có khả năng đem lại nhiều tác động tốt cho sức khỏe như giảm cân.
Tuy nhiên, Brooke Alpert, chuyên gia dinh dưỡng kiêm tác giả của cuốn The Diet Detox giải thích, bỏ bữa đơn thuần chỉ vì hạn chế cơn thèm ăn trong một thời gian ngắn là việc làm thiếu sáng suốt. Một số người còn có xu hướng nhịn ăn do mong muốn tìm lại cảm giác ngon miệng ở bữa sau hoặc giảm cân khi đã tiêu thụ quá nhiều đồ ăn trước đó. Những việc làm này không thể đem lại hiệu quả giữ dáng lâu.
Theo một nghiên cứu vào năm 2017 đăng trên tạp chí Dinh dưỡng, cách giảm cân tối ưu nhờ phương pháp nhịn ăn là tiêu thụ nhiều thực phẩm vào bữa sáng, dùng bữa trưa vừa phải và ăn nhẹ vào bữa tối.
Thúc đẩy cảm giác thèm ăn
Một nghiên cứu vào năm 2018 đăng trên tạp chí Obesity toàn cầu đã chỉ ra, stress làm tăng cảm giác đói, từ đó có thể dẫn tới hiện tượng thèm ăn và tiêu thụ đồ ăn vặt. Việc bỏ bữa sẽ khiến bạn có xu hướng sử dụng những gói snack chứa nhiều đường thay vì ăn thực phẩm lành mạnh. Do vậy, mọi người sẽ không thể gặt hái được bất kỳ lợi ích nào từ việc nhịn ăn liên tục nếu còn giữ thói quen này. Trên thực tế, chế độ ăn kiêng không phù hợp với tất cả mọi người.
Giảm đầy bụng
Frances Largeman-Roth, chuyên gia dinh dưỡng kiêm tác giả của cuốn Eating in Color cho biết, một trong những lợi ích tích cực của việc bỏ bữa là tránh đầy bụng. Nhịn ăn giúp hệ tiêu hóa có thêm thời gian xử lý thực phẩm được cơ thể hấp thụ trước đó.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, vào thời điểm nhịn ăn, cơ thể ít bị viêm nhiễm tấn công và có khả năng ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tật đáng kể. Joel Kahn, chuyên gia y khoa kiêm giáo sư tại trường Đại học y Wayne State giải thích, nhìn chung, việc bỏ bữa có thể gián tiếp thúc đẩy hệ miễn dịch trong cơ thể, giảm khả năng mắc các bệnh liên quan tới viêm nhiễm.
Ảnh hưởng tới hormone
Bữa sáng ảnh hưởng rất lớn tới hormone của bạn. Khi bạn bỏ bữa sáng, nội tiết tố trong cơ thể sẽ bị tác động, từ đó làm tăng nồng độ cortisol và khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Hơn nữa, nồng độ insulin cũng bị tăng giảm nhanh chóng dẫn đến các vấn đề về đường huyết và cân nặng.
Tích tụ mỡ
Bữa sáng có tác dụng khởi động và đánh thức các bộ phận trong cơ thể sau một đêm dài cơ thể bị “nhịn đói”. Vì vậy, nếu bạn bỏ bữa sáng, cơ thể sẽ mặc định rằng bạn vẫn đang trong trạng thái đói và có xu hướng tích tụ mỡ để dự trữ năng lượng.
Ảnh hưởng tới tâm trạng
Không ăn sáng không chỉ làm rối loạn hormone mà còn khiến bạn mệt mỏi. Cả hai yếu tố này đều khiến cho tâm trạng của bạn tụt dốc. Nếu muốn bắt đầu một ngày làm việc tràn đầy hứng khởi, tốt nhất bạn không nên bỏ qua bữa ăn quan trọng nhất trong ngày này.