Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức FHI360, chương trình Alive and Thrive, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đang trong giai đoạn nước rút để có thể chính thức ra mắt Ngân hàng sữa mẹ dự kiến vào quý 1 năm 2019.
Uớc tính tại Bệnh viện cần 14 lít sữa mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cho các trẻ sơ sinh điều trị tại khoa sơ sinh |
Theo các chuyên gia y tế, sữa mẹ cung cấp một “ma trận sinh học” cho trẻ non tháng, sữa mẹ phải được xem như một loại “thuốc đặc biệt” và một loại “dinh dưỡng đặc biệt” mà không có bất kỳ một loại sữa công thức nào thay thế được, sữa mẹ giúp cho trẻ sinh non giảm nguy cơ bị sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh và giúp cho hệ thần kinh của trẻ phát triển tốt. Việc ra đời ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ sẽ giúp cho hàng ngàn trẻ sinh non được hưởng những lợi ích trên.
Theo Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Từ Dũ với nhiệm vụ chỉ đạo tuyến cho 32 tỉnh thành phía Nam, số sinh hàng năm hơn 66.000 ca. Hàng trăm ca sơ sinh non tháng bệnh lý khao khát nhận được sữa mẹ nhưng hằng ngày vẫn đang phải tiêu thụ hàng chục lít sữa công thức chỉ vì sữa mẹ không có sẵn.
Nhận thức rõ giá trị “vàng” của sữa mẹ, đánh giá tính khả thi việc có thể sử dụng nguồn sữa mẹ quý giá được hiến tặng nhằm cứu sống và điều trị cho hàng trăm trẻ sơ sinh thiếu sữa mẹ, từ năm 2016, Bệnh viện Từ Dũ đã có đề án thành lập ngân hàng sữa mẹ.
Từ tháng 3/2016, Bệnh viện Từ Dũ chính thức chấp bút cho khung đề án thành lập Ngân hàng sữa mẹ. Nội dung đề án là cơ sở để các bên đối tác tiềm năng như tổ chức FHI360 chương trình Alive and Thrive, Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế cùng thảo luận cơ hội xây dựng đơn vị NHSM tại BV Từ Dũ.
Trên cơ sở đó, đề án thành lập đơn vị Ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ đã được Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đồng tình và ủng hộ cao. Tháng 7/2018, Hội đồng Khoa học Công nghệ Sở Y tế đã xem xét, phản biện và nhất trí cao về đề án thành lập Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ.
Năm 2019, Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở TP.HCM đi vào hoạt động. |
Trả lời báo chí, bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Hàng năm Bệnh viện Từ Dũ có hơn 65.000 trẻ được sinh ra. Trong đó, khoảng 12.000 trẻ sinh non hoặc trẻ có mẹ thai kỳ bệnh lý phải điều trị tại khoa sơ sinh. Uớc tính tại Bệnh viện cần 14 lít sữa mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cho các trẻ sơ sinh điều trị tại khoa sơ sinh”.
Được biết, Bệnh viện sẽ vận động các bà mẹ có tinh thần thiện nguyện và đủ điều kiện sức khỏe hiến tặng sữa cung cấp cho Ngân hàng sữa mẹ. Bệnh viện sẽ cho xét nghiệm sữa hiến tặng trước và sau khi thanh trùng. Lưu trữ và phân phối sữa mẹ theo những quy trình chặt chẽ đảm bảo an toàn và vệ sinh.
Tại ngân hàng, sữa mẹ hiến tặng chưa được thanh trùng được trữ đông -200 độ C, tối đa 3 tháng và sau khi thanh trùng được trữ đông -200 độ C, tối đa 6 tháng.
“Kỹ thuật thanh trùng sữa bằng máy thanh trùng sữa hiện đại sẽ giúp sữa mẹ sau khi thanh trùng vẫn giữ được phần lớn giá trị dinh dưỡng và miễn dịch”, bác sĩ Từ Anh nói.
Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại TP.HCM đạt chuẩn quốc tế sẽ hội nhập vào mạng lưới Ngân hàng sữa mẹ khu vực Đông Nam Á và toàn cầu, mang lại lợi ích dài lâu cho sức khỏe của nhiều thế hệ không chỉ cho người dân thành phố mà còn cho cả khu vực phía Nam.
Tháng 2/2018, Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ra đời tại Đà Nẵng. Ngân hàng sữa mẹ được thành lập nhằm cung cấp sữa mẹ để hỗ trợ chăm sóc điều trị cho 3.000 đến 4.000 trẻ nhỏ mỗi năm. Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Vụ Trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế khẳng định: “Nuôi con bằng sữa mẹ là biện pháp quan trọng giúp tăng cường sự sống còn và sức khỏe của trẻ. Chúng tôi hy vọng với ngân hàng sữa mẹ thí điểm này các trẻ em của Đà Nẵng sẽ được tiếp cận với sữa mẹ an toàn, bất kể trẻ được sinh ra trong tình huống nào”. |