Ngộ độc rượu bia là tình trạng ngộ độc do tiêu thụ lượng rượu bia quá lớn trong một thời gian ngắn. Mức độ biểu hiện có thể từ nặng đến nhẹ tùy trường hợp. Trường hợp nhẹ có thể tự xử trí theo hướng dẫn, nhưng trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn dẫn đến nguy cơ tử vong.
Theo trung tâm Y tế đại học Rochester, để phòng chống các nguy cơ, nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày và nữ giới chỉ nên uống 1 đơn vị cồn/ngày (chú ý không uống quá 5 ngày liên tiếp). Cụ thể là 1 đơn vị được tính bằng 350ml bia, 150ml rượu vang, 44ml rượu mạnh tương đương với 1 ly rượu hoặc 1 cốc bia chúng ta thường dùng.
Đây là một vấn đề không thể coi thường vì đối tượng có thể tử vong nếu không biết cách xử trí.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc rượu
Chậm nhất sau 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn Methanol, nạn nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc rượu như sau:
- Bất tỉnh, co giật.
- Tê, yếu chân tay hoặc một bên mặt.
- Nói ngọng dù đã tỉnh táo.
- Thở khò khè, yếu, nhịp thở không đều, thở chậm, có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.
- Ho yếu, ứ đọng đờm rãi ở miệng, họng.
- Da, môi, móng tay tím tái, lạnh.
- Đại tiện, tiểu tiện ra quần.
- Rối loạn cảm nhận về màu sắc.
- Nhìn mờ, không rõ ràng.
- Chướng bụng, đau bụng.
- Mệt, nôn nhiều.
Hậu quả của việc ngộ độc rượu
Uống quá nhiều rượu có thể gây ngộ độc rượu, nhẹ thì cơ quan tiêu hóa bị tổn thương, nặng có thể dẫn tới hôn mê và tử vong. Vì vậy, khi có dấu hiệu bị ngộ độc rượu, nạn nhân cần được xử lý ngay tại chỗ rồi đưa tới bệnh viện cấp cứu để tránh những biến chứng về sau và nguy hiểm tới tính mạng.
Cách xử trí khi bị ngộ độc rượu
Khi thấy có người uống rượu có biểu hiện ngộ độc rượu, chúng ta nhanh chóng tiến hành các bước sơ cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
- Kê gối cho nạn nhân nằm, đầu và vai cao hơn.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh kèm theo hiện tượng ứ đọng đờm rãi, thở khò khè cần cho nằm nghiêng một bên và tìm cách gây nôn, xát mạnh hai bên má.
- Nếu thời tiết lạnh cần ủ ấm cho bệnh nhân.
- Không để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc đêm. Cách vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy. Cho ăn cháo loãng để tránh hạ đường huyết nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống.
- Uống nhiều nước ấm để không bị mất nước. Có thể cho bệnh nhân uống các loại nước có tác dụng giải rượu nhẹ như nước gừng tươi, nước cà chua...
- Nếu lay gọi người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm rãi nhiều, thở sâu, thở nhanh thậm chí co giật... hoặc có tỉnh dậy nhưng đau đầu, chóng mặt, sợ ánh sáng, vã mồ hôi, chân tay lạnh, da xanh tái, mờ hoặc mất hẳn thị lực... cần giữ bệnh nhân ở tư thế cao đầu, nằm nghiêng an toàn và nhanh chóng gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới các cơ sở y tế hoặc bệnh viện.
- Không cho nạn nhân uống thuốc giải độc rượu, các loại thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, hạ sốt...
Cách phòng tránh ngộ độc rượu
- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Nên kết hợp vừa ăn vừa uống.
- Không ngâm rượu với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay kinh nghiệm cá nhân để uống.
- Không uống rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, đang uống thuốc điều trị, khi đang đói hoặc mệt.
- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
- Mỗi người nên chủ động không tiếp nhận rượu, bia vào cơ thể, tránh rơi vào tình trạng say rượu, ngộ độc rượu để đảm bảo an toàn sức khỏe của chính mình.