Thứ 2, 25/11/2024, 11:06 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Cơm có thật sự là thủ phạm gây béo phì?

Cơm có thật sự là thủ phạm gây béo phì?
(Tieudung.vn) - Một số người cho rằng thực phẩm nguồn gốc ngũ cốc, tinh bột chính là "thủ phạm" gây béo phì. Thật ra là không phải như vậy. "Thủ phạm" của béo phì chính là bạn đã ăn thừa năng lượng.

Cơm là thức ăn được nấu ra từ gạo, cơm trắng có chứa hàm lượng dinh dưỡng khá cao, cung cấp cho cơ thể một nguồn năng lượng dồi dào giúp cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhiều người vì lo lắng ăn cơm sẽ gây tăng cân nên hạn chế ăn cơm thậm chí là nói “không” với cơm.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh Viện Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết nhiều người đang có cách hiểu sai về cơm: "Không phải cứ ăn cơm là tăng cân, mà điều này đến từ việc cơ thể ít vận động nhưng khả năng tiêu hóa lại tốt. Ngược lại, có nhiều người được gọi là "người gầy, thầy cơm", vì dù ăn nhiều cơm bao nhiêu họ vẫn không thể béo lên được?"

Cơm có thật sự là thủ phạm gây béo phì?

Nhiều người vì lo lắng ăn cơm sẽ gây tăng cân nên hạn chế ăn cơm thậm chí là nói “không” với cơm.

Theo phân tích của chuyên gia thì trong khẩu phần ăn hàng ngày của một người gồm 12-15% chất đạm, 25% chất béo còn lại là đường bột.

Đường bột không phải chất béo nhưng lại dễ hấp thu và nó có nhiều trong các loại: trái cây, bánh, kẹo, đồ uống có ga... khi ăn quá nhiều những thứ này sẽ chuyển hóa thành mỡ và gây ra thừa cân, béo phì.

Vì vậy nếu như bằng cách không ăn cơm nhưng thay vào đó ăn các loại hoa quả, nước uống có ga như đường bột… thì vẫn tăng cân như thường.

Đồ ăn ngăn béo phì

Béo phì có thể được ngăn chặn bằng việc ăn thêm cơm gạo, theo một nghiên cứu được trình bày gần đây tại Hội nghị châu Âu về béo phì được tổ chức tại Glasgow.

Các chuyên gia nhận thấy, những người theo chế độ ăn Nhật Bản hay kiểu châu Á có ít khả năng mắc bệnh béo phì hơn những người sống ở các quốc gia có mức tiêu thụ gạo thấp. Họ đã xem xét mức tiêu thụ gạo tính theo số gram/ngày/người và lượng calo tiêu thụ ở 136 quốc gia. Họ cũng xem xét dữ liệu về chỉ số khối cơ thể (BMI).

Theo những phát hiện trong nghiên cứu, người Anh chỉ tiêu thụ 19g gạo/ngày, thấp hơn hàng chục quốc gia khác, trong đó có Canada, Tây Ban Nha và Mỹ. Nhóm nghiên cứu tính toán rằng, việc gia tăng tiêu thụ gạo ngay cả ở mức khiêm tốn là 50g/ngày/người cũng có thể làm giảm 1% tỷ lệ béo phì trên toàn cầu (từ 650 triệu người trưởng thành xuống 643,5 triệu).

Giáo sư Tomoko Imai thuộc Đại học Doshisha, Kyoto, Nhật Bản, người đứng đầu nghiên cứu này, cho rằng những mối liên hệ quan sát được cho thấy các quốc gia ăn cơm như một loại lương thực chính có tỷ lệ béo phì thấp.

Cơm có thật sự là thủ phạm gây béo phì?

Béo phì có thể được ngăn chặn bằng việc ăn thêm cơm gạo.

Do đó, chế độ ăn theo kiểu Nhật Bản hay kiểu châu Á dựa trên cơm gạo có thể giúp ngăn ngừa béo phì. Khi xét tới sự gia tăng tình trạng béo phì trên toàn thế giới, việc ăn nhiều cơm gạo hơn cần được khuyến khích nhằm chống lại béo phì ngay cả ở các nước phương Tây.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp cho biết, việc gạo có ít chất béo là một trong những lý do giải thích tại sao gạo có thể ngăn chặn béo phì. Có thể chất xơ, chất dinh dưỡng và các hợp chất thực vật có trong ngũ cốc nguyên hạt có thể gia tăng cảm giác no và ngăn không cho người ta ăn quá nhiều.

Nghiên cứu này phù hợp với những điều người ta đã biết về gạo. Các nước công nghiệp họ ăn ít cơm, chủ yếu là thức ăn nhanh, bơ sữa… nên tỉ lệ béo phì cao. Những nước sử dụng lương thực chính là gạo, các loại hạt nông sản thô… số lượng người béo phì sẽ thấp hơn. Điều này có nghĩa, cơm có thể là một loại thức ăn ngăn chặn béo phì.

Cách ăn cơm giảm cân

Hiện rất nhiều người có suy nghĩ giảm hoặc không ăn cơm, chỉ ăn thức ăn để tránh bị béo, tăng cân. Theo đó vào mỗi bữa ăn, cơm bị loại ra khẩu phần, thay vì đó là rau, thịt cá và các khác tương tự, cung cấp năng lượng đủ để hoạt động.

Muốn giảm cân thì cần phải giảm tất cả các chất bột đường chứ không phải giảm cơm theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.

Muốn giảm cân có thể thay cơm bằng ngô, khoai, sắn, bởi chúng những này có nguồn năng lượng thấp hơn gạo tuy nhiên khi ăn vào sẽ chiếm phần lớn diện tích dạ dày tạo nên cảm giác no. Và không quên uống nước trước bữa ăn để tăng chuyển hóa.

Cơm có thật sự là thủ phạm gây béo phì?

Cơm thực sự không phải là thủ phạm gây béo phì để giữ cân nặng tốt bạn cần kết hợp chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng.

Để không làm hại đến dạ dày, cũng như gây tình trạng rối loạn chuyển hóa thì bạn vẫn nên ăn cơm nhưng giảm đi về số lượng chứ tuyệt đối không được bỏ hoàn toàn.

Việc bạn ăn rau thay cơm cùng là sai lầm vì rau chỉ cung cấp chất xơ, chất khoáng còn trong rau không hề có năng lượng, hay việc ăn thịt thay cho cơm sẽ gây khó tiêu, gây ra bệnh gút hoặc viêm khớp…

Như vậy cơm thực sự không phải là thủ phạm gây béo phì để giữ cân nặng tốt bạn cần kết hợp chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, hạn chế ăn các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, kem, sữa, bơ, thức ăn nhanh, không ăn vặt… và tập luyện thể dục thể thao đều đặn bạn sẽ có được cơ thể khỏe mạnh, vóc dáng thon gọn.

Tags:
4.1 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.37803 sec| 793 kb