Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến hô hấp của trẻ
Cẩn thận khi chăm sóc trẻ viêm đường hô hấp. Nguồn ảnh: Internet
Theo chuyên gia, trẻ em dễ mắc các bệnh đường hô hấp hơn người lớn do đặc điểm lứa tuổi còn nhỏ ham chơi nên vui đùa thỏa thích mà chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cơ thể. Trong khi đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở.
Đối với trẻ em, do đặc điểm đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh cũng dễ lây lan hơn. Đặc biệt là trẻ em ở bậc tiểu học bệnh đường hô hấp thường xuyên tấn công do hệ miễn dịch còn non nớt nên sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém. Chính vì vậy, trẻ không đủ sức chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Chẳng hạn như trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học vừa chơi đồ chơi trên đất bẩn rồi đưa tay đưa lên miệng hoặc ngoáy mũi là rất bình thường và vi khuẩn, virus tấn công dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài ra, các yếu tố môi trường như ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết, độ ẩm không khí thấp… cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới đường hô hấp ở trẻ nhỏ.
Cũng theo các chuyên gia, ở trẻ nhỏ trong độ tuổi tới trường có hai nhóm bệnh chính mà trẻ thường mắc phải là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính (như viêm hô hấp trên, viêm mũi, viêm phổi), các bệnh dị ứng đường hô hấp (như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, hen suyễn, viêm họng, viêm tai giữa). Đặc biệt, nếu thời tiết chuyển lạnh, giao mùa, nhiệt độ xuống thấp… cũng là điều kiện thuận lợi để trẻ em mắc bệnh cúm.
Viêm đường hô hấp trên nếu không chữa trị dứt điểm, rất có khả năng chuyển thành viêm hô hấp dưới viêm phế quản, viêm phổi, đặc biệt là dạng viêm phế quản, phổi cấp tính.
Trẻ bị viêm đường hô hấp thường có sốt, ho, nhiều trẻ có thể sốt vừa hoặc sốt cao 39 – 40 độ C, một số trường hợp trẻ viêm đường hô hấp kèm theo khó thở… dẫn đến việc trẻ phải nghỉ học, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt.
Dấu hiệu trẻ mắc bệnh đường hô hấp
Đối với viêm nhiễm đường hô hấp nhẹ, trẻ thường có các biểu hiện như: Ho, ho khan, ho đờm, khò khè, nghẹt mũi, sổ mũi, khó thở, thở nhanh, đau ngực, mệt… đôi khi kèm sốt hoặc vài dấu hiệu ngoài đường hô hấp như nhức đầu, nôn ói, bỏ bú.
Đối với viêm nhiễm đường hô hấp nhẹ, trẻ thường có các biểu hiện như: Ho, ho khan, ho đờm, khò khè, nghẹt mũi, sổ mũi, khó thở, thở nhanh, đau ngực, mệt…
Trẻ bị hen, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản có thể ho kèm theo bị khò khè.
Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi thường bị nhiễm siêu vi từ 4 – 6 đợt mỗi năm với biểu hiện nhiễm trùng hô hấp trên như viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản…
Nếu bé có triệu chứng ho với các biểu hiện sau đây, cha mẹ cần đưa bé tới bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời:
Bé dưới 4 tháng tuổi bị ho
Bé ho kèm với sốt cao hơn 38 độ C hoặc có nôn mửa nhiều, liên tục.
Bé bắt đầu giảm ho nhưng lờ đờ, không tỉnh táo, li bì
Bé ho và khó chịu, bỏ bú hoặc bỏ ăn trong vòng 6- 8 tiếng
Bé ho kèm theo thở khò khè hoặc biểu hiện của việc cực kì khó thở.
Bé ho đờm của bé có màu xanh, vàng hoặc dính máu…
Chăm sóc trẻ đúng cách khi bị viêm đường hô hấp
PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt (Hà Nội). Nguồn ảnh: BVAV
PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt (Hà Nội) cho biết, thời tiết giao mùa hầu như năm nào số trẻ mắc các bệnh lý viêm hô hấp đều tăng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc thăm khám sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó, đặc điểm của trẻ nhỏ hệ hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh, đường thở ngắn, hít thở nhiều lần trong một phút nên các tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập gây bệnh viêm đường hô hấp.
Đây là bệnh dễ tái phát nhiều lần nên khiến các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho rằng, bị viêm hô hấp nếu được chăm sóc tốt, hầu hết các bệnh viêm đường hô hấp có thể tự khỏi.
Trước tình hình dịch bệnh đi lại có phần hạn chế, PGS Nguyễn Thị Hoài An chia sẻ các biện pháp phụ huynh có thể tham khảo thông tin về cách chăm sóc trẻ viêm đường hô hấp tại nhà dưới đây:
Thứ nhất, trường hợp bé sốt: Có thể dùng paracetamol từ 10 – 15mg/1kg khi sốt trên 38,5 độ. Nếu dùng hạ sốt rồi mà bé vẫn sốt cao, nên cho bé tắm nước ấm (làm ướt cả đầu) để hạ nhiệt nhanh, tránh tình trạng co giật do sốt cao.
Thứ hai, bé sổ mũi: Nên lau mũi cho bé bằng khăn mềm, khô (tốt nhất là dùng khăn giấy mềm). Giữ ấm. Mùa hè, cho bé mặc quần áo thoáng mát, tránh nằm ngay luồng quạt máy, luồng gió máy lạnh. Nhiệt độ phòng là trên hoặc bằng 25 độ C.
Thứ ba, bé nghẹt mũi: Sử dụng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) nhỏ mũi để làm loãng mũi cho bé, sau đó hút sạch và ngoáy khô mũi bằng tăm bông khô, sạch.
Thứ tư, bé ho: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Uống nhiều nước và vỗ lưng thường xuyên là quan trọng, điều này giúp loãng đàm, long đàm, giảm ho cho bé.
Thứ năm, bé nôn: Nôn có thể do đặc đờm, cũng có thể do bệnh nặng. Vì vậy, nếu đang điều trị mà thấy nôn nhiều, nên cho bé tái khám.
PGS An cho biết trong thời điểm này chế độ dinh dưỡng cũng cần được quan tâm hơn. Trẻ phải tăng cường cho trẻ ăn, bú, tránh các tập quán kiêng ăn.. Đây là điều rất quan trọng vì trẻ bị viêm phổi cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đờm, dịu họng, giảm ho. Cần cho trẻ ăn đủ chất, bú đều đặn khi đang bệnh. Khi trẻ vừa khỏi bệnh cũng cần bồi dưỡng thêm cho trẻ mau lại sức.
Đối với trẻ nhỏ, khi mũi bị nghẹt, tắc, trẻ sẽ khó bú, khó ăn hơn. Vì vậy cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để trẻ có thể bú, ăn dễ dàng hơn.
Sau đó, trẻ vẫn cần được bác sĩ khám lại sau 2 ngày để đánh giá xem thuốc kháng sinh trẻ dùng có hiệu quả tốt hay không. Ngay trong trường hợp tốt nhất (trẻ thở trở lại bình thường, hết sốt, ăn, bú khá hơn) trẻ cũng cần phải tiếp tục cho uống kháng sinh đủ thời gian là 5 ngày. Nếu sau 2 ngày tái khám mà trẻ còn thở nhanh, thầy thuốc sẽ cho trẻ dùng một loại kháng sinh cần thiết khác hoặc cho cháu nhập viện điều trị.