Các tác nhân làm nứt gót chân
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Bạn có thể nứt gót chân ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng hiện tượng này phổ biến hơn cả vào mùa đông. Ngoài thời tiết và độ ẩm, nứt gót chân còn có thể xuất phát từ những yếu tố khác nhau:
Đứng lâu, đi chân trần.
Tắm nước nóng thường xuyên.
Chọn giày không phù hợp.
Sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh làm mất đi lớp dầu bảo vệ tự nhiên trên da.
Những bệnh lý như tiểu đường, thiếu vitamin, vảy nến, béo phì và thai nghén cũng có thể gây nứt nẻ gót chân.
Trong một số trường hợp, nứt gót chân có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Nếu bạn nghi ngờ có nhiễm trùng, hãy gặp bác sĩ để thăm khám.
Cách chăm sóc gót chân nứt nẻ
Ngâm chân
Thường xuyên ngâm chân trong nước ấm hoặc thảo dược có thể giúp cho chân mềm mại.
Bạn không nên sử dụng nước quá nóng, vì sẽ làm mất đi lớp dầu bảo vệ, khiến da dễ khô hơn. Khi ngâm chân, nhiệt độ tốt nhất là từ 40–50°C. Vừa ngâm chân, bạn vừa thêm nước nóng để giữ nhiệt và đảm bảo đạt hiệu quả cao.
Bạn có thể thêm muối, dầu hương liệu, bột yến mạch và mật ong vào nước để tăng cường độ ẩm.
Loại bỏ tế bào chết
Nếu vết chai quá dày, chúng có thể mất đi tính đàn hồi và gây ra các vết nứt khi bạn di chuyển hoặc ma sát. Do đó, bạn cần loại bỏ lớp chai này để giảm thiểu khả năng chân bị nứt nẻ.
Sau khi ngâm chân, hãy nhẹ nhàng tẩy tế bào chết và làm mịn vết chai bàn chân bằng đá bọt.
Bạn cũng có thể đến các salon làm móng tay, móng chân và nhờ kỹ thuật viên cạo đi lớp da sần này.
Dưỡng ẩm
Dùng kem dưỡng ẩm thoa đều gót chân mỗi ngày vào buổi sáng và tối, sau đó, mát-xa trong vòng ít phút.
Nếu chân quá khô, bạn có thể giữ ẩm bằng cách mang vớ bông hoặc bao chân bằng silicone qua đêm.
Một số biện pháp giúp ngăn ngừa nứt gót chân
Nếu trước đây bạn đã từng bị nứt gót chân thì hãy lựa chọn những đôi dép và đôi giày mềm mại, thoải mái để bảo vệ chân, đặc biệt là phần gót. Hạn chế đi chân trần mà thay vào đó hay dùng những đôi dép hoặc đôi giày chắc chắn, có phần gót giày rộng để hỗ trợ cho phần gót không bị tổn thương bởi tác động lực mạnh khi đi chuyển và hoạt động hàng ngày.
Bạn nên tránh đi những đôi dép hoặc đôi giày như:
Dép xăng đan, dép xỏ ngón vì sẽ khiến chân dễ bị đau;
Giày quá chật dễ khiến chân bị tổn thương và nứt nẻ;
Không nên đi giày đế nhọn và giày cao gót vì không những làm biến dạng cột sống, mu bàn chân mà còn làm đau nhức và nứt gót chân.
Những cách khác giúp ngăn ngừa tình trạng nứt gót chân:
Không nên ngồi khoanh chân hoặc duy trì một tư thế đứng quá lâu;
Thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên cho chân;
Mang đệm gót chân khi đi giày giúp bàn chân được phân bổ đều trọng lượng, giảm sức ép dồn vào gót chân;
Kiểm tra trạng thái của bàn chân mỗi ngày, nhất là đối với những trường hợp bị mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh lý khác về da;
Bổ sung đủ nước cho cơ thể để da luôn được cung cấp độ ẩm, tránh bị khô và bong tróc;
Tẩy da chết là điều nên làm nhưng bạn tuyệt đối không được tự cạo vết chai hoặc vết nứt ở chân nếu bạn đang bị bệnh lý thần kinh ngoại biên hoặc mắc bệnh tiểu đường. Bởi vì điều này có thể vô tình hình thành nên vết thương mới dẫn tới nhiễm trùng khó điều trị.