Tiến sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP HCM, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Tim mạch và Đột quỵ Cần Thơ cho biết trong giai đoạn đầu, quy mô bệnh viện khoảng 60 giường cho bệnh nhân điều trị nội trú. Dự kiến giai đoạn tiếp theo mở rộng khoảng 150-200 giường. Bệnh viện khởi công xây dựng ngày 20/7.
Bệnh viện nhằm phục vụ nhu cầu cấp cứu, can thiệp đột quỵ cho tất cả tỉnh miền Tây với chất lượng chuyên môn cao, máy móc hiện đại. Ngoài chức năng khám chữa bệnh, nơi đây được kỳ vọng là trung tâm đào tạo thực hành chuyên sâu cho các bệnh viện trong ngoài nước, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế cho khu vực.
Số lượng bệnh nhân đột quỵ hiện tăng cao. Bệnh có thể xảy đến với bất kỳ ai trong bất kỳ độ tuổi nào. Việt Nam có trung bình khoảng 200.000 người đột quỵ mỗi năm. Nhiều người tử vong và tàn phế do việc can thiệp nội mạch cấp cứu đột quỵ tại các bệnh viện còn hạn chế và thời gian nhập viện muộn. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm có khoảng 10.000 ca đột quỵ, tỷ lệ tử vong và tàn phế cao hơn TP HCM.