Cụ thể, trưa ngày 3/6, bệnh viện tiếp nhận 2 nhóm gồm 6 bệnh nhân cùng ngụ tại xã Cư KBang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Khi nhập viện, 3 bệnh nhân người lớn có tình trạng lơ mơ, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, tay chân yếu không cử động được. Các bệnh nhân còn lại có các biểu hiện nhẹ hơn, tiếp xúc tỉnh, nói chuyện được nhưng yếu tay chân.
Một trong 6 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (Nguồn ảnh: CDC Đắk Lắk)
Theo lời kể của 1 bệnh nhân, mấy ngày qua, tại địa phương nhiều người đua nhau đi đào nấm mọc từ xác nhộng ve sầu để bán với giá 70.000 đồng/kg và cho rằng đây là thức ăn bổ dưỡng như đông trùng hạ thảo. Trong đó, nhiều người còn đăng bán trên mạng xã hội.
Thấy vậy, người thân trong gia đình anh cũng đi đào được mấy cây nấm màu đỏ mọc từ xác ấu trùng ve sầu quanh nhà và nấu cho mọi người ăn.
Sau khi ăn khoảng 2 giờ, mọi người có biểu hiện bủn rủn chân tay, nôn ói, đau bụng, đi cầu lỏng nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp. Sau đó, các bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị.
Theo bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thiên Phúc, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), các bệnh nhân này khi gặp nấm mọc từ xác nhộng ve sầu, đều nhầm lẫn là thức ăn bổ dưỡng "đông trùng hạ thảo" dẫn đến tình trạng ngộ độc.
Do đó, để phòng chống ngộ độc từ nấm và đặc biệt là nấm mọc từ ấu trùng ve sầu, bác sỹ khuyến cáo, tại tỉnh Đắk Lắk, đang bước vào đầu mùa mưa, các loại nấm trên địa bàn sinh sôi nhiều. Nhiều người dân sống ở khu vực nông thôn, hoặc những vùng gần rừng núi, thường có thói quen hái nấm mọc trong tự nhiên về ăn.
Người dân phải hết sức tỉnh táo trước các thực phẩm chưa rõ nguồn gốc, công dụng; không nên nhầm lẫn nấm mọc từ xác nhộng ve sầu là thức ăn bổ dưỡng đông trùng hạ thảo. Muốn sử dụng đông trùng hạ thảo, cần phải mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng.