Trong công điện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh khẩn trương chỉ đạo Sở GD&ĐT sẵn sàng các phương án tổ chức dạy học, tăng cường các biện pháp chống dịch trong trường học; tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Minh Thái
Trong trường hợp chưa đảm bảo an toàn phòng dịch, có thể tổ chức lễ khai giảng chung theo hình thức trực tuyến hoặc trên truyền hình để các đối tượng học sinh thuộc khu vực đang phải giãn cách được hòa chung vào không khí khai giảng của địa phương và cả nước.
Đối với địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND các tỉnh quyết định lùi thời điểm bắt đầu năm học mới cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát; dành thời gian trước mắt để tập trung chống dịch, động viên giáo viên vừa tham gia chống dịch theo phân công, vừa chuẩn bị thật tốt mọi điều kiện để triển khai năm học mới khi điều kiện cho phép.
Công điện cũng đề nghị, Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục để chủ động, linh hoạt thực hiện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19 tại địa phương; huy động các nguồn lực tăng cường cho các nhà trường về hạ tầng công nghệ thông tin và các điều kiện cần thiết để tổ chức hiệu quả việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình.
Đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp với gia đình học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của gia đình, địa phương, nhà trường để việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình đối với đối tượng học sinh lớp 1 và lớp 2, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả; có biện pháp thiết thực hỗ trợ các đối tượng học sinh khó khăn thiếu phương tiện học tập.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kịp thời việc miễn, giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt quan tâm đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên thuộc khu vực có ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19.
Tiếp tục chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp sách giáo khoa kịp thời đến các đối tượng học sinh tại địa phương; tiếp nhận học sinh đang về cư trú tại địa phương để phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ các học sinh thuộc gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì Covid-19, học sinh là con của cán bộ tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch chuẩn bị cho năm học mới.
Trước đó, hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 28/8 đại diện cho địa phương ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - cho biết năm học 2021-2022, học sinh bậc trung học của TP bắt đầu từ ngày 1/9, tiểu học bắt đầu chậm hơn 1 tuần và dành mười ngày đầu hướng dẫn kỹ năng học tập trên Internet cho học sinh và phụ huynh.
TP yêu cầu các trường rà soát các trường hợp học sinh khó khăn để có giải pháp hỗ trợ về thiết bị kết nối học trực tuyến, có phương án kèm cặp riêng...
TP Hồ Chí Minh cũng triển khai kết hợp với Đài truyền hình TP phát sóng chương trình dạy học từ xa từ tháng 9, kết hợp với phụ huynh kèm học sinh tự học ở nhà. Đồng thời, chỉ đạo các trường xây dựng phương án linh hoạt và tận dụng tối đa thời gian vàng để có thể đưa học sinh trở lại trường dạy học trực tiếp, nhất là khối lớp 1, 2.
Nỗ lực hết mức nhưng theo ông Dương Anh Đức, do dịch bệnh kéo dài, học trực tuyến không thể thay thế cho học trực tiếp. Vì thế, TP Hồ Chí Minh đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét phương án cho kéo dài năm học để đảm bảo chất lượng giáo dục, nhất là với khối lớp nhỏ 1, 2, 3.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - kiến nghị Bộ GD&ĐT quyết liệt hơn trong việc phân cấp cho địa phương quyết định và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, khả thi với từng cấp học.
Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo chuẩn kiến thức cần thiết, kiến thức nền tảng cốt lõi trong tình huống cấp bách và xây dựng ngân hàng đề thống nhất chung cho cả nước, trong đó có thang đo chuẩn kiến thức cơ bản phải đạt.
Trên cơ sở đó, từng địa phương có thể quyết định tổ chức các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT theo điều kiện đặc thù của từng địa phương. Lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình đề nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn linh hoạt thực hiện năm học trong bối cảnh dịch bệnh.
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lộ trình thực hiện chương trình giáo dục mới ở lớp 10. Vì trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp sẽ có nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn lực chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới ở cấp học này.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, bà Quyên Thanh cũng cho rằng học sinh lớp 9 năm học này sẽ phải trải qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nếu năm học sau phải chuyển tiếp học chương trình mới ở lớp 10 sẽ khó khăn, áp lực cho học sinh.