Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2021, 165 cơ sở đăng ký cử giảng viên đi học tiến sĩ theo Đề án 89 với tổng số là 1.277.
Cũng theo thống kê này, dự kiến, năm 2022 sẽ cử 1308 giảng viên đi học tiến sĩ theo Đề án 89.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: SCMP
Tính đến năm 2019, Việt Nam có 73.312 giảng viên, trong đó, gần 21.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ (chiếm hơn 28%). Đến năm 2020, có khoảng 30% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ. Con số này tăng lên 31,12% vào năm 2021.
Ở thời điểm hiện tại, chỉ có 4% cơ sở giáo dục đại học đạt tỷ lệ 75% giảng viên là tiến sĩ. Số cơ sở có tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ đạt 50 – 75% chiếm 9%. Hầu hết các trường đều có tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ đạt 10 – 50%. Số còn lại có dưới 10% giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Ngày 18/1/2019, Chính phủ Quyết định Phê duyệt đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030" (Đề án 89).
Mục tiêu của Đề án 89 là Theo Đề án 89, mục tiêu cụ thể của đề án là đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài; Phấn đấu 80% giảng viên các trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao đạt trình độ thạc sĩ trở lên, được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và trong nước đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới, cơ cấu hợp lý.
Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, để thực hiện mục tiêu đề án đặt ra, dự kiến trong 10 năm tới cần đào tạo khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.
Điểm mới của Đề án 89 so với 2 đề án cũ là nếu như đối với các đề án 322, 911, Bộ GD-ĐT trực tiếp tuyển chọn ứng viên theo các tiêu chí quy định tại các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện đề án thì ở Đề án 89 này, căn cứ vào các tiêu chí về chuyên môn và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và các bộ liên quan, cơ sở GD-ĐH sẽ tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo (với 3% đào tạo trong nước) trên nguyên tắc chia sẻ kinh phí giữa nhà nước và cơ sở đào tạo cử giảng viên tham gia Đề án, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các ứng viên thụ hưởng Đề án.
Các đối tác nước ngoài được lựa chọn là những trường ĐH uy tín thuộc top 500 của các bảng xếp hạng thế giới; tăng mức đầu tư cho đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đáp ứng đủ chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm, thực tập và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí có uy tín trong khu vực và thế giới.