Siêu thị, nhà sách đồng loạt khuyến mại
Những ngày này, trên wesite bán hàng online của các nhà sách: Tiến Thọ, Fahasa, Tràng An, Phương Nam… đều tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sản phẩm. Cụ thể, hệ thống nhà sách Tiến Thọ áp dụng chương trình giảm giá 25% cho toàn bộ đầu sách tham khảo, sách học tốt; giảm 20% cho các mẫu cặp sách, balo hãng V.bags, tặng phiếu mua hàng 50.000 đồng cho những đơn hàng trị giá từ 500.000 đồng trở lên.
Tương tự, nhà sách Fahasa trên phố Xã Đàn tổ chức chương trình khuyến mại “Cùng Fahasa khởi động năm học mới”, trong đó giảm giá từ 10 - 15% cho đơn hàng mua sách giáo khoa, dụng cụ học sinh trị giá từ 150.000 - 400.000 đồng, tặng thêm 10.000 đồng phí ship hàng; giảm từ 5 - 10% sản phẩm ba lô, cặp sách, dụng cụ học tập. Đại diện nhà sách Fahasa cho biết, nhằm khuyến khích người tiêu dùng không dùng tiền mặt, từ nay đến hết tháng 9/2021, Fahasa còn giảm thêm từ 10 - 30% hóa đơn cho khách mua hàng thanh toán qua VNPAY, Shoope Pay.
Người tiêu dùng tìm mua sách giáo khoa cho con em. Ảnh chụp trước thời điểm 27/4/2021 |
Trong khi đó, các hệ thống siêu thị Vinmart, Co.op mart, Media Mart, HC… cũng giảm giá 50% cho nhiều mặt hàng gồm máy tính, điện thoại, đồ dùng học tập, đồng phục… cho mọi đối tượng từ sinh viên đến học sinh mầm non.
Những ngày này, hệ thống siêu thị Co.opmart tổ chức chương trình khuyến mại “Đồng hành mùa tựu trường”, qua đó giảm giá đến 25% cho các mặt hàng dụng cụ học tập như bút chì, bút bi, giấy vở, thước kẻ; giảm 20 - 27% cho các sản phẩm ba lô, đồng phục học sinh cấp I, II. Hệ thống siêu thị Vinmart cũng đang triển khai chương trình giảm giá “Back to School” giảm giá từ 15-25% cho các mặt hàng ba lô học sinh, bảng, bút bi, vở ô ly nhãn hiệu Hồng Hà, hộp đựng bút… Không chỉ đồ dùng học tập, để phục vụ nhu cầu đi lại của sinh viên, các thương hiệu xe máy, xe điện còn đưa ra các chương trình giảm giá từ 2 - 5 triệu đồng khi mua xe, tặng phí đăng ký biển số... Hệ thống các siêu thị điện máy như Pico, Điện Máy Xanh, Media Mart, Nguyễn Kim… cũng giảm giá từ 10 - 30% cho các sản phẩm phục vụ học sinh, sinh viên như máy tính, laptop, máy tính bảng, bàn phím, chuột máy tính…
Nên đưa vào danh mục hàng thiết yếu
Mặc dù các nhà sách tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá sách giáo khoa, đồ dùng học tập nhưng việc tiếp cận mua lại không hề dễ dàng. Nhiều phụ huynh học sinh phản ánh, từ đầu tháng 8/2021, gia đình đã đặt mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập tại các nhà sách nhưng đến nay chỉ nhận được một phần lượng sách đã đặt mua. Về vấn đề này, trên fanpage, Fahasa gửi lời xin lỗi đến tất cả khách hàng đã có những trải nghiệm không tốt khi mua sách online tại website trong thời gian qua.
Trong đó, Fahasa thông tin đã nhận được rất nhiều những phản hồi việc giao hàng chậm từ khách hàng, nguyên nhân ra là do giãn cách xã hội chống Covid-19 nên hạn chế việc vận chuyển hàng không thiết yếu, trong đó có sách giáo khoa.
Để khắc phục khó khăn này, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng cho rằng, các tỉnh, TP nên tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông, vận chuyển sách giáo khoa, qua đó kịp thời cung ứng đầy đủ cho học sinh trước ngày khai giảng.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái cho biết, đơn vị đã có công văn đề xuất Bộ GD&ĐT kiến nghị các cơ quan liên quan nên coi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, được tạo điều kiện thuận lợi trong việc kinh doanh, lưu thông đáp ứng nhu cầu của học sinh, giáo viên trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Cùng quan điểm này, Giám đốc Chibooks Lệ Chi có ý kiến, nếu coi thực phẩm như hàng thiết yếu cho đời sống thể xác thì sách có thể coi là hàng thiết yếu của đời sống tinh thần. “Tinh thần và thể xác đều cùng khỏe mạnh thì tổng thể cả cơ thể mới mạnh khỏe và mới có thể vượt qua đại dịch Covid-19” - bà Lệ Chi nói.
Mới đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) vừa có văn bản gửi Sở TT&TT Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh năm học mới 2021 - 2022 đang đến gần, việc chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, trong đó có sách giáo khoa là cấp bách. Trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, các loại sách, tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe (thể chất và tinh thần) trở thành nhu cầu cấp thiết, góp phần cùng cả nước chung tay chiến thắng dịch bệnh. Vì vậy Cục Xuất bản, In và Phát hành đề nghị 2 sở kiến nghị cấp có thẩm quyền đưa sách giáo khoa và sách hướng dẫn chăm sóc sức khỏe vào nhóm hàng hóa thiết yếu theo thẩm quyền của địa phương, trên cơ sở thực hiện công văn của Bộ Công Thương về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 nên chỉ cho phép vận chuyển những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, thời điểm này sắp khai giảng năm học mới 2021 - 2022 nên có thể xem xét công nhận sách giáo khoa là hàng hóa thiết yếu, từ đó giải quyết khâu phát hành của các kênh thương mại điện tử, nơi học sinh và phụ huynh dựa vào đó để mua sách, chuẩn bị cho năm học mới. Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng |