Trước phản ánh phụ huynh không thể mua sách giáo khoa đầu cấp cho con tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam lý giải: "Nguyên nhân là do năm nay lượng thí sinh tăng đột biến, chúng tôi đã in so với năm ngoái tăng 102% tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng này. Nhưng đây cũng chỉ là thiếu cục bộ một chút thôi, sau đó chúng tôi đã in bổ sung. Chắc chắn là đến khi khai giảng thì sẽ có đủ sách cho học sinh học”.
Ngoài ra ông Tùng cho hay, việc nhà xuất bản in sách là dựa trên kế hoạch đăng ký từ địa phương: “Các công ty thiết bị giáo dục từ các sở GD&ĐT sẽ đăng ký số lượng, sau đó chúng tôi in và chuyển về”, ông Tùng nói.
Mặc dù chưa đến ngày khai giảng nhưng theo phản ánh của một số phụ huynh, tình trạng khan hiếm một số cuốn SGK đầu cấp của lớp 1, lớp 6.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, cũng như các năm học trước, để phục vụ tốt năm học mới 2018 - 2019, một mặt đảm bảo giá SGK được giữ nguyên, mặt khác, NXB Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch in và phát hành SGK dựa vào số lượng đặt mua SGK của các Công ty Sách - TBTH địa phương cũng như căn cứ vào thực tiễn phát hành SGK các năm học trước.
Tính đến ngày 15/8/2018, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hành trên 100 triệu bản SGK, đạt 102% kế hoạch. Cùng với đó, NXB thành lập các đoàn giám sát việc phát hành sách giáo dục tại các địa phương trong cả nước, đảm bảo không để xảy ra thiếu sách, sốt sách; lập nguồn SGK dự phòng để có thể kịp thời phục vụ học sinh ở một số địa phương trong trường hợp xảy ra thiên tai lũ lụt.
Bên cạnh đó, NXB tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT vận động học sinh sử dụng SGK cũ, quyên góp SGK cũ tặng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng sách cho thư viện trường học, cho tủ SGK dùng chung.
“Với việc phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ, đến thời điểm này về cơ bản việc phục vụ SGK cho học sinh trên cả nước đón năm học mới 2018 - 2019 đã đầy đủ, đồng bộ. Nhà xuất bản Giáo dục đảm bảo không có học sinh nào phải bỏ học vì thiếu SGK”, ông Tùng khẳng định.
Mặc dù phía NXB khẳng định đây chỉ là “thiếu cục bộ một chút”, tuy nhiên lợi dụng tình trạng này, một số nhà sách nhỏ thấy “khan” sách nên đã tranh thủ “ôm” một số cuốn và tăng giá.
Chị T. Minh (khu đô thị Linh Đàm) cho biết, năm nay hai con chị vào lớp 1. Chị chủ quan cho rằng SGK vẫn thoải mái như mọi năm nên mấy hôm nay mới đi mua. Không ngờ, chị lùng sục đến mấy nhà sách đều không đầy đủ bộ.
Cũng như chị Minh, chị Nguyễn Nhật Ánh, một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 tại Cầu Giấy nói: “Hôm nộp hồ sơ cho con nhập học, chúng tôi đã không đăng ký mua sách tại trường và đi mua bên ngoài. Tuy nhiên, khi đi mua chúng tôi đã phải mua với giá cao gần gấp đôi so với giá bìa và không phải nhà sách nào cũng có để bán”.