Mới đây, đoàn khảo sát của HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco về Đề án phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội.
Hành khách dưới 18 tuổi sẽ được mua vé xe buýt ưu tiên.
Là đơn vị chủ đạo của thành phố trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội có 8 đơn vị trực thuộc và 3 công ty cổ phần thực hiện vận hành 75/92 tuyến buýt nội đô, chiếm 81,5% tổng số tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn.
Thay mặt lãnh đạo Transerco, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội cho biết, sau khi có bước đột phá trong vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội, lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt đạt đỉnh vào năm 2012 với 414,8 triệu hành khách, sau đó lượng hành khách đi xe buýt có dấu hiệu sụt giảm.
Cụ thể, năm 2013 khối lượng vận chuyển đạt 408,2 triệu hành khách/năm, đến năm 2017 giảm còn 321,8 triệu hành khách/năm, và năm 2018 dự kiến giảm còn 114,2 triệu hành khách/năm.
Lý giải về số liệu này, theo ông Nguyễn Công Nhật, dịch vụ mạng lưới dù đã được cải thiện nhưng chưa theo kịp nhu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ của người dân; hạ tầng, luồng tuyến thường xuyên bị xáo trộn, mạng lưới tuyến mới chỉ dừng lại ở các tuyến trục, thiếu các tuyến bút gom sử dụng xe nhỏ kết nối các khu dân cư mà xe buýt chưa tiếp cận được.
"Tốc độ thời gian vận chuyển giữa các tuyến chưa ổn định, giá vé tăng 1,8 – 2,3 lần trong vòng 2 năm qua, từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng, nhiều người đi 2, 3 chặng tính ra không hề rẻ. Trong khi các loại hình phương tiện công nghệ mới như Grab taxi, Uber phát triển mạnh, nhất là chuyến đi cự ly ngắn cũng là nguyên nhân làm giảm sản lượng hành khách đi xe buýt", ông Nhật nhấn mạnh.
Lý giải thêm, ông Nhật bày tỏ, ngay như tuyến buýt nhanh BRT 01 khi mới đưa vào hoạt động khá hiệu quả, theo khảo sát số lượng hành khách là cán bộ công chức chiếm 50%. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, hiện tốc độ buýt nhanh đang có xu hướng chậm dần đều do ý thức người dân chưa cao, vận tốc trung bình từ 17 - 18km/giờ, giờ cao điểm chỉ 12 - 13 km/giờ. Vì thế, người dân không còn mặn mà với buýt nhanh. Điều đó cho thấyxe buýt sạch đẹp, văn minh chưa đủ, mà phải đảm bảo giờ giấc đi lại của hành khách.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung, giải pháp của Đề án phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Tổng công ty Vận tải kiến nghị Thành phố cho mở mới 14 tuyến buýt năm 2018, tăng tần suất trên các tuyến trục hiện đang quá tải để thu hút thêm hành khách.
Đầu tư đường dành riêng và tổ chức giao thông ưu tiên cho xe buýt, trước mắt khôi phục lại đường dành riêng cho xe buýt trên trục đường Nguyễn Trãi. Đồng thời điều chỉnh chính sách vé tháng để thu hút người dân sử dụng xe buýt: "Thay vì chỉ ưu tiên đối tượng HSSV, nên điều chỉnh đối tượng hành khách dưới 18 tuổi được hưởng chính sách ưu tiên khi mua vé tháng và miễn phí cho người trên 60 tuổi", ông Nhật nói.