Tuy nhiên, hành khách vẫn không khỏi lo lắng về tình trạng thiếu xe, tăng giá trên các tuyến vận tải liên tỉnh.
Sẵn tàu xe
Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, người lao động được nghỉ 3 ngày, từ 2/9 - 4/9. Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, thông thường, lượng hành khách của bến Mỹ Đình đạt hơn 15.000 lượt/ngày, còn dịp 2/9, sẽ từ 20.000 - 25.000 hành khách. Các tuyến từ Mỹ Đình đi Phú Thọ, Quảng Ninh, Lào Cai… có lượng khách đông hơn cả và không loại trừ khả năng một số thời điểm khách sẽ phải chờ đợi lâu hơn thường ngày mới có thể lên xe. Lý giải điều này, ông Tuấn cho hay: “Ngày lễ, áp lực giao thông gia tăng trên khắp các tuyến đường ra vào Thủ đô, vì vậy xe khách di chuyển chậm hơn. Hoặc do cùng một thời điểm mà tập trung quá đông hành khách, cần có thời gian huy động phương tiện để giải toả”.
|
Người dân chờ mua vé tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Hùng |
Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay đã cấp 300 phù hiệu xe tăng cường để phòng trường hợp lượng khách đi lại tăng đột biến, do đó hành khách không cần lo lắng về số lượng xe liên tỉnh phục vụ dịp nghỉ lễ này.
Đối với đường sắt, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt Hà Nội Phạm Thị Anh Đào thông tin, riêng Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã tăng thêm 14 đoàn tàu, cộng với các đôi tàu hàng ngày. Tổng số DN này tổ chức chạy hơn 120 đoàn tàu khách với gần 90.000 chỗ trên các tuyến trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh. Trong đó, các tuyến trọng điểm như: Hà Nội - Thanh Hóa - Vinh chạy 16 đoàn tàu với 12.000 chỗ; Hà Nội - Đồng Hới chạy 2 đoàn tàu với 1.000 chỗ; Hà Nội - Hải Phòng chạy 31 đoàn tàu với 38.750 chỗ; Hà Nội - Lào Cai chạy 32 đoàn tàu với 12.000 chỗ.
Bên cạnh đó, hàng không cũng tăng tải khá mạnh trong dịp 2/9. Cụ thể, từ ngày 1 - 4/9, Vietnam Airlines tăng thêm 40 chuyến bay một chiều trên 7 đường bay, tăng tương ứng gần 8.000 ghế, nâng tổng số ghế cung ứng trên toàn mạng nội địa lên hơn 183.000 ghế. 7 đường bay được tăng chuyến gồm: Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh; Đà Nẵng; Đà Lạt; Nha Trang; Phú Quốc, và từ TP Hồ Chí Minh đi Nha Trang; Phú Quốc. Các hãng hàng không nội địa tự tin khẳng định, hành khách không phải lo khan hiếm vé, hiện các đường bay đều còn nhiều ghế trống.
Có còn chặt chém?
Những năm gần đây, người dân có nhu cầu đi lại trong dịp lễ, Tết không còn nỗi lo thiếu xe khách, mà ngại nhất là cảnh nhồi nhét, chặt chém. Anh Trần Anh Tuấn (Quảng Ninh) chia sẻ: “Hầu như dịp 2/9 năm nào về quê, tôi cũng bị hoặc là nhồi nhét, hoặc là phải mua vé đắt gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường hoặc là cả hai. Đã đành ngày lễ, nhà xe có thu thêm chút đỉnh cũng dễ hiểu, nhưng nhồi nhét, hét giá, có người phải trả gấp đôi tiền vé mà vẫn… đứng từ Hà Nội về Quảng Ninh”.
Đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho hay: "100% quân số của chúng tôi vẫn phải đi làm dịp lễ, Tết và còn làm vất vả hơn ngày thường. Việc tuần tra, kiểm soát, xử phạt các hành vi thu quá giá, nhồi nhét, dừng đỗ tuỳ tiện đối với xe khách liên tỉnh rất gắt gao”. Vị này cũng lý giải, ngoài những nguyên nhân chủ quan từ phía một số nhà xe chụp giật, thiếu đạo đức kinh doanh, cũng cần nhìn nhận có cả lỗi từ phía hành khách để dẫn đến tình trạng này kéo dài âm ỉ.
|
Lãnh đạo Công ty CP Bến xe Hà Nội cho rằng, một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay vẫn giữ thói quen đón xe tuỳ tiện trên đường, nên rất dễ bị nhà xe nhồi nhét, tăng giá mà không biết kêu ai. Bên cạnh đó, việc kiểm soát xe khách, nhất là những ngày cuối dịp nghỉ lễ, khi người dân ùn ùn trở lại Hà Nội cũng phải được các địa phương đối lưu thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh. Nhiều xe đón khách dọc đường, trước khi vào địa phận Hà Nội đã chở quá người, thu quá giá, nhưng hành khách sợ phiền hà, rắc rối nên cũng ngậm ngùi... mặc kệ.
Có một điều lạ, dù trên thực tế, rất nhiều nhà xe âm thầm tăng giá vé cả 2 chiều đi - đến Hà Nội trong các dịp nghỉ lễ, nhưng rất ít nhà xe đề xuất tăng một cách chính thức. Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho hay, đến nay vẫn chưa có có DN vận tải nào tại bến thông báo hay đề xuất tăng giá vé trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh này. Thế nhưng nhiều người dân khi được hỏi lại cho rằng, kiểu gì các nhà xe cũng sẽ tăng giá và tình trạng hành khách bị nhồi vào những chuyến xe “ngộp thở” là khó lòng tránh khỏi.
Chủ động lịch đi lại
Để hạn chế UTGT, đảm bảo tốt nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ, ngoài kế hoạch phân luồng, kiểm soát, điều tiết giao thông, Sở GTVT Hà Nội cũng khuyến nghị người dân nên chủ động lịch đi lại của mình. Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển chia sẻ: “Nếu người dân chủ động tốt lịch khởi hành, tránh khung giờ cao điểm sẽ đỡ phải chờ đợi tại bến hay chịu cảnh ùn ứ phương tiện tại các cửa ngõ ra vào Hà Nội”Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành khuyến nghị, để tránh “tiền mất tật mang”, hành khách hãy vào bến mua vé, khi lên xe quan sát kỹ các chi tiết như: Biển kiểm soát, số điện thoại, tên nhà xe… Phía Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội lưu ý, dù tàu đi nhiều tuyến khác không thiếu chỗ nhưng riêng tuyến Hà Nội - Lào Cai, do khách du lịch đi Sapa rất đông nên các tàu đã gần như kín ghế; hành khách có nhu cầu cần nhanh chóng kiểm tra, đặt mua trước khi hết vé. Các hãng hàng không thì đưa ra cảnh báo, hiện các đường bay nội địa đều còn ghế trống nhưng càng cận ngày nghỉ lễ, vé giá rẻ sẽ càng khan hiếm. Do đó, hành khách cần chủ động đặt mua nếu có nhu cầu.
Ủy ban ATGT Quốc gia và Sở GTVT Hà Nội đã lập nhiều đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự, ATGT và vi phạm nhồi nhét khách, thu quá giá của xe khách liên tỉnh. Khi tiếp nhận phản ánh, Tổng cục Đường bộ sẽ căn cứ trên dữ liệu giám sát hành trình để định vị xe vi phạm và báo cho lực lượng chức năng của TP để xử lý.
Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải
|