Cụ thể, từ 1/6/2018, TP Hồ Chí Minh cho phép tăng mức thu phí đối với ô tô dưới chín chỗ và xe tải có tải trọng dưới 1,5 tấn với mức giá giờ đầu tiên là 20.000-25.000 đồng tùy theo khu vực và lũy tiến theo giờ đậu.
Mức phí đối với ô tô từ 10 chỗ đến 16 chỗ và xe tải có tổng tải trọng trên 1,5 tấn và dưới 2,5 tấn là 25.000-30.000 đồng tùy theo khu vực và lũy tiến theo giờ đỗ xe.
Khung giờ đỗ xe từ 6 giờ sáng đến 24 giờ, không thu phí các trường hợp đỗ xe ngoài khung giờ này. Những ô tô dừng, đỗ lâu sẽ phải đóng phí cao hơn. Cụ thể, mức phí cao nhất 170.000 đồng/ô tô trong 5 giờ đầu tiên.
Từ 1/6, TP Hồ Chí Minh chính thức thu phí ô tô đậu dưới lòng đường.
Đối tượng nộp phí là tất cả tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện ô tô có sử dụng ứng dụng công nghệ thông minh trong việc quản lý đỗ xe và thu phí.
Theo Sở GTVT TP, mức thu phí dưới lòng đường này cao hơn bình quân từ 10-20% so với giá trông giữ xe ở các hầm xe tại trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và gần tương đương với mức thu phí tại TP Hà Nội.
Dự kiến, với 35 tuyến đường (thuộc các quận 1, 3, 5, 10, 11) được phép đậu xe dưới lòng đường, mỗi tháng thành phố thu được khoảng 30 tỷ đồng.
Ngoài hình thức thu phí qua tin nhắn và thẻ tính dụng quốc tế - nội địa, thành phố sẽ triển khai thu phí qua trạm thu tiền tự động trong năm 2019.
Việc tăng mức thu phí đậu ôtô sẽ góp phần tăng cường quản lý sử dụng công năng vỉa hè, lòng đường hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng thời, hạn chế người dân sử dụng ôtô cá nhân đi lại, góp phần giảm bớt nạn ùn tắc và kẹt xe. Các dự án đầu tư bãi đậu xe (ngầm, nổi) theo hình thức xã hội hóa cũng có điều kiện phát triển hơn.
Tiền phí thu được sẽ nộp ngân sách sau khi trừ chi phí cho các bộ phận liên quan (nhà mạng, đơn vị cung cấp giải pháp và công tác thu phí tại các quận), để duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, đề án tăng mức phí đậu ôtô dưới lòng đường sẽ được đấu thầu công khai để chọn công nghệ tốt nhất, minh bạch nhất.